Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Executive Search khác gì Headhunter?

Theo ông Kiryukhantsev, dân trong nghề gọi mảng săn tìm nhân sự cao cấp là Executive Search. Đó là một cuộc săn lùng đầy gian nan và không hề dễ dàng. Thuật ngữ "Executive Search" có thể được hiểu là "cuộc săn tìm có định hướng” hoặc cuộc săn tìm những nhân sự ở cấp quản lý có thể đưa ra quyết định. Theo cách hiểu cổ điển thì đây là cuộc săn tìm các ứng viên xuất sắc giữa các nhà quản trị thành đạt, những người đã từ lâu không có ý định tìm việc.

Tại các nước phát triển, chuyên gia tư vấn Executive Search chính là những người đã từng tham gia vào các khóa học quản lý trong các tập đoàn lớn. Những chuyên gia này thường hiểu được các vấn đề của khách hàng một cách chi tiết, cụ thể dựa trên kinh nghiệm quản lý của mình. Ở Việt Nam, thật đáng tiếc, những chuyên gia tư vấn như thế này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, trong khi dàn nhân sự chủ chốt đảm nhận công việc của “thợ săn” lại thường chỉ có mối quan hệ, kinh nghiệm thiết lập cơ sở dữ liệu ứng viên chứ không có kinh nghiệm quản lý. Và đối với nhiều người, kể cả nhà tuyển dụng lẫn ứng viên tìm việc, cụm từ “nhân sự cao cấp” là để chỉ những người đảm nhận những chức vụ cấp trưởng phòng trở lên hay nói ngắn gọn hơn là những vị trí mang tính chất quản lý.

Nhân sự cấp cao người Việt ở đâu?

Hiện nay, nguồn thu nhập chính của các công ty săn đầu người cao cấp tại Việt Nam là từ mảng outsourcing (dịch vụ cho thuê nhân viên trong các công đoạn như trả lương, làm thủ tục bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tuyển dụng và đánh giá nhân viên…). Nguồn thu nhập thứ hai là từ mảng management selection (tuyển chọn nhân sự trung cấp). Mức phí mà các công ty săn đầu người Việt Nam thu được từ dịch vụ management selection cũng thường dao động trong khoảng 2 tháng lương của ứng viên, trong khi tại thị trường các nước phát triển, một công ty săn đầu người có thể “bỏ túi” 30% từ khoản lương năm của ứng viên. Thực tế cho thấy, với một vị trí cao cấp như Tổng giám đốc/giám đốc điều hành cho một ngân hàng lớn hay tập đoàn viễn thông, công ty săn đầu người có thể bỏ túi vài trăm nghìn đô la là chuyện thường.

Tuy nhiên, trên thế giới, hiếm có công ty săn đầu người cao cấp nào sống được chỉ bằng nguồn dịch vụ Executive Search. Các hãng săn đầu người tên tuổi trên thế giới như Korn Ferry International, Heidrick & Struggles, Spencer Stuart…cũng phải trông chờ nhiều vào dịch vụ management selection. Và ngay cả đối với Ward Howell thì đó cũng không là ngoại lệ. Kiryukhantsev thừa nhận rằng, hiện tại, doanh thu từ mảng này vẫn chiếm tới ¾ doanh số của công ty ông.

Bà Trần Mỹ Hà, Giám đốc nhân sự của Vinacapital nhận xét rằng, bản thân bà đã phải sử dụng dịch vụ Executive Search của các hãng nước ngoài vì trong nước không thể nào bói ra ứng viên cho các vị trí mà công ty yêu cầu. Cả năm trời chúng tôi cũng chẳng bói ra một hồ sơ nào đáng giá. Vì vậy, chúng tôi phải viện nhờ đến các hãng Executive Search của Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Úc…hoặc đăng tuyển trực tiếp trên các web site tuyển dụng tên tuổi của nước ngoài như Monster, JobsDB và InterBizNet. Hiện tại, dàn quản lý cao cấp của các dự án do Vinacapital quản lý thường do người nước ngoài và một số Việt Kiều - những người được đào tạo bài bản ở các nước có nền giáo dục phát triển, được hấp thụ kinh nghiệm làm việc trong môi trường tiên tiến – đảm nhận.

Dự án khu biệt thự cao cấp mang tên Đảo Kim cương (Diamond Island) của một liên doanh tại TP.HCM đã phải thuê dịch vụ tư vấn kiến trúc với các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản và Úc vì không thể tìm ra nhân tài người bản địa. Vietnam Yatch cũng đã gặp khó khăn khi tìm kiếm thuyền trưởng cho chiếc du thuyền trị giá hàng triệu đô la vừa nhập từ Anh Quốc. Đích thân giám đốc điều hành của công ty này đã phải bay sang Singapore để tuyển thuyền trưởng cho chiếc du thuyền này.

Tương lai nào cho thị trường Search Executive Việt Nam ?

Pavel Kiryukhantsev cho rằng, nhu cầu của thị trường là rất lớn, khi nền kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng với các chỉ số ấn tượng. Vì là một quốc gia mới nổi và có vị trí chiến lược tại khu vực Đông Nam Á, chắc chắn Việt Nam sẽ thu hút sự quan tâm của các tập đoàn lớn nước ngoài. Và như vậy, nhu cầu về nhân sự cao cấp cũng sẽ tăng lên. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã “nhòm ngó” thị trường nhân sự cao cấp Việt Nam và trên thực tế cũng đã có một số liên doanh khai thác tốt mảng này. Mới đây, Glasford International® Partner – một hiệp hội cung cấp dịch vụ Executive Search có trụ sở chính tại Thụy Sĩ với gần 40 văn phòng đại diện ở các châu lục - đã hợp tác với VIPdatabase của Việt Nam để khai thác thị trường này.

Theo ông Hạ Ngọc Linh, Partner của Human Capital, sẽ phải mất từ 3 đến 5 năm nữa, Việt Nam mới có một thị trường nhân sự cao cấp đúng nghĩa. Đó là lúc có thêm nhiều người Việt đảm nhận được những vị trí lãnh đạo cao cấp trong các công ty lớn. Ngoài các chức danh ta thường nghe nhắc nhiều như CEO, CFO, CIO, tất nhiên còn có các vị trí “executive” khác như CMO (Chief Marketing Officer); COO (Chief Operation Officer), và gần đây người ta còn nói đến CPO (Chief People Officer)… Đó là lúc các công ty trong nước bắt đầu quen với việc phải tốn cho chi phí săn tìm ít nhất là 25% lương gộp một năm (annual gross salary) của “executive” được tuyển (so với chi phí phổ biến ở các nước là 30%). Đó là lúc mà các đại gia “săn đầu người” tầm cỡ như Korn Ferry, Egon Zehnder… xuất hiện tại Việt Nam . Và có thể, cuộc thăm dò thị trường Việt Nam lần này của đại diện Ward Howell cũng là bước sơ khởi cho một kế hoạch phát triển kinh doanh dài hạn khi họ đang nhắm đến các quốc gia mới nổi như Việt Nam .

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 30/10/2010

Số lượt truy cập
11.016.577
258 người đang xem