Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Cơ thành bụng

Cơ thành bụng

Thành bụng bên gồm 3 cơ xếp thành 3 lớp từ nông đến sâu: cơ chéo bụng ngoài, cơ chéo bụng trong và cơ ngang bụng.

Thành bụng trước gồm 2 cơ là cơ thẳng bụng và cơ tháp.

Thành bụng sau gồm: cơ vuông thắt lưng và 3 cơ thuộc chi dưới là cơ thắt lưng lớn, cơ thắt lưng bé, cơ chậu; 3 cơ này thường hợp chung gọi là cơ thắt lưng chậu.

I. Cơ chéo bụng ngoài:

- Nguyên ủy: xuất phát bằng 8 trẽ cơ bám vào mặt ngoài 8 xương sườn dưới. Các thớ cơ chạy chếch từ trên xuống dưới, ra trước, vào trong. Phía trước trong và 3 cm trên gai chậu trước trên thì phần cơ được tiếp nối bởi một lá cân rộng.

- Bám tận: cân cơ chéo bụng ngoài hướng ra trước và vào trong.

+   Phía trong: cân góp phần tạo nên lá trước bao cơ thẳng bụng, rồi hòa lẫn với cân cơ đối bên để tạo thành đường trắng giữa từ xương ức đến xương mu.

+ Phía dưới: căng từ gai chậu trước trên đến củ mu và dầy lên tạo thành dây chằng bẹn, rồi lật lại bám vào mạc ngang. Các thớ dưới cùng bám trực tiếp vào mép ngoài mào chậu.

+ Phía dưới trong: bám vào xương mu bằng trụ ngoài và trụ trong, 2 trụ nối nhau bởi các sợi gian trụ. Trụ ngoài chạy quặt lên trên vào trong thành dây chằng phản chiếu, cùng với hai trụ giới hạn nên lỗ bẹn nông.

II. Cơ chéo bụng trong:

- Nguyên ủy: bắt đầu từ mạc ngực thắt lưng, 2/3 trước mào chậu, ½ ngoài dây chằng bẹn.

- Bám tận:

+ Các thớ trên chạy lên trên và ra trước đến bám vào xương sườn X, XI, XII.

+ Các thớ giữa chạy hướng ngang, rồi thoát thành cân khi đến gần bờ ngoài cơ thẳng bụng. 2/3 trên cân cơ chéo bụng trong chia thành hai lá, còn ở 1/3 dưới chỉ có một lá, góp phần tạo thành bao cơ thẳng bụng, rồi hòa với cân cơ bên đối diện ở đường trắng giữa.

+ Các thớ dưới: từ ½ ngoài dây chằng bẹn uốn cong phía trên và sau thừng tinh rồi bám vào mào lược xương mu.

III. Cơ ngang bụng:

- Nguyên ủy: từ 1/3 ngoài dây chằng bẹn, mép trong mào chậu, mạc ngực thắt lưng và mặt trong sáu sụn và xương sườn cuối.

- Bám tận: chạy ngang ra trước đến bờ ngoài cơ thẳng bụng thì thành cân. 2/3  trên cân tham gia tạo lá sau bao cơ thẳng bụng, còn 1/3 dưới góp phần tạo lá trước bao cơ thẳng bụng. Sau đó hòa lẫn với cân cơ bên đối diện ở đường trắng giữa.

Liềm bẹn (gân kết hợp) là phần dưới cùng dính chung của cơ chéo bụng trong và cơ ngang bụng, tạo thành một bờ khuyết hình liềm chạy phía trên thừng tinh rồi bám vào đường lược xương mu.

Sâu hơn cơ ngang bụng là mạc ngang, đến mỡ ngoài phúc mạc, rồi phúc mạc.

IV. Cơ thẳng bụng:

- Nguyên ủy: gân ngoài bám từ thân xương mu, gân trong đan xen với phần tương ứng của bên đối diện, các thớ chạy dọc lên trên, thường có 3 – 5 trẽ gân ngang chia cơ thành nhiều múi.

- Bám tận: mỏm mũi kiếm xương ức và các sụn sườn V, VI, VII.

Bao cơ

- 2/3 trên:

+ Lá trước: một phần cân cơ chéo bụng ngoài. Lá trước cân cơ chéo bụng trong.

+ Lá sau: lá sau cân cơ chéo bụng trong. Cân cơ ngang bụng và mạc ngang.

- 1/3 dưới:

+ Lá trước: một phần cân cơ chéo bụng ngoài. Cân cơ chéo bụng trong. Cân cơ ngang bụng.

+ Lá sau: mạc ngang.

- Giới hạn giữa 2/3 trên và 1/3 dưới gọi là đường cung.

V. Cơ tháp:

Không quan trọng, thường không có. Hình tam giác, xuất phát từ thân xương mu, các thớ chạy lên trên vào trong, bám vào đường trắng đoạn dưới rốn.

Tác dụng của các cơ thành bụng trước bên:

- Giữ và bảo vệ các tạng trong ổ bụng không sa.

- Cùng hoạt động sẽ tăng rất lớn áp lực ổ bụng góp phần rất quan trọng cho việc đại tiện, tiểu tiện, ói mửa, sanh đẻ.

- Giúp đỡ hô hấp khi thở ra gắng sức.

- Trợ giúp các cơ cạnh sống xoay thân thể và giữ vững thân thể.

VI. Cơ vuông thắt lưng

Cơ vuông thắt lưng là một cơ dẹt hình tứ giác.

- Nguyên uỷ: từ phần sau mép trong mào chậu, các thớ chạy thẳng lên trên.

- Bám tận: vào bờ dưới xương sườn 12 và mỏm ngang các đốt sống thắt lưng.

Động tác nghiêng thân sang bên, khi 2 cơ cùng co thì có tác dụng duỗi cột sống.

VII. Cơ thắt lưng chậu:

- Nguyên uỷ:

+ Cơ chậu: mào chậu và hố chậu.

+ Cơ thắt lưng lớn: thân, mỏm ngang và đĩa gian các đốt sống ngực XII, thắt lưng I đến thắt lưng IV. Các thớ cơ được bọc trong một mạc dày chắc gọi là mạc chậu, sau đó chạy xuống dưới nằm giữa bờ trước xương chậu và dây chằng bẹn.

- Bám tận: mấu chuyển nhỏ

Động tác: gấp đùi vào thân hay ngược lại, nghiêng phần thắt lưng.

Do cơ đi từ đốt sống ngực XII đến thắt lưng IV tới mấu chuyển nhỏ, nên mủ của những abcess lao cột sống vùng này có thể theo cơ chảy xuống vùng bẹn. Khi cơ thắt lưng – chậu bị viêm, bệnh nhân thường gấp đùi vào thân để tự giảm đau.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 09/07/2011