Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Khớp thái dương hàm dưới

Khớp thái dương – hàm dưới


Khớp thái dương hàm dưới là khớp hoạt dịch, loại lưỡng lồi cầu.

I. Mặt khớp:

Gồm 2 mặt khớp và đĩa khớp:

1. Mặt khớp xương thái dương:

- Hố hàm dưới: thuộc phần trai xương thái dương, mặt khớp chỉ chiếm nửa trước của hố.

- Củ khớp: là một mặt khớp lồi, nằm phía trước hố hàm dưới.

Mặt khớp xương thái dương là một diện lõm ở sau, lồi ở trước.

2. Mặt khớp xương hàm dưới: là chỏm xương hàm dưới, thuộc mỏm lồi cầu của xương hàm dưới, là một chỏm lồi hình bầu dục, chếch vào trong và ra sau.

3. Đĩa khớp: vì mặt khớp của xương thái dương và xương hàm dưới đều lồi nên phải có đĩa khớp chêm vào giữa 2 mặt khớp.

Đĩa khớp là 1 tấm sụn xơ, hình bầu dục ngang, có dạng thấu kính với 2 mặt đều lõm, tương ứng với các mặt khớp đều lồi của xương thái dương và xương hàm dưới. Chu vi đĩa khớp dính chặt vào bao khớp, lỏng ở phía sau, chắc ở phía trước. Đĩa khớp còn dính vào gân cơ chân bướm ngoài và chỏm xương hàm dưới bằng một dải sợi, dải sợi này giúp cho đĩa dịch chuyển ra trước và ra sau cùng chỏm xương hàm dưới.

Đĩa khớp chia đôi ổ khớp thành 2 ổ khớp độc lập là:

+ Khoang khớp thái dương – đĩa khớp ở trên.

+ Khoang khớp đĩa khớp – hàm dưới ở dưới.

II. Phương tiện nối khớp:

Gồm bao khớp và hệ thống dây chằng.

1. Bao khớp:

- Bao xơ: dính hơi lỏng vào chu vi mặt khớp của xương thái dương ở trên và dính chặt và chắc hơn vào chu vi mặt khớp của xương hàm dưới ở dưới. Phía sau dưới, bao xơ bám thấp hơn, gần cổ xương hàm dưới.

- Màng hoạt dịch: vì khớp có đĩa khớp chia đôi thành 2 ổ khớp, nên có 2 bao hoạt dịch riêng biệt nhau cho mỗi ổ khớp, không thông thương với nhau.

+ Màng hoạt dịch trên lót mặt trong bao xơ của khoang khớp thái dương – đĩa.

+ Màng hoạt dịch dưới lót mặt trong bao xơ của khoang khớp đĩa – hàm dưới.

2. Các dây chằng:

Bao khớp được tăng cường ở 2 bên bởi dây chằng ngoài và dây chằng trong. Ngoài ra còn một số các dây chằng phụ nằm xa hơn tăng cường cho khớp.

- Dây chằng bên ngoài hay dây chằng thái dương – hàm dưới: có hình tam giác, dây chằng là phần dầy lên của mặt ngoài bao khớp, rất chắc, đi từ bờ dưới mỏm gò má của xương thái dương, chếch xuống dưới và ra sau, đến bám vào chỏm và cổ xương hàm dưới.

- Dây chằng bên trong: mảnh hơn, là phần dầy lên của mặt trong bao khớp, đi từ gai bướm đến bám vào mép sau trong của chỏm và cổ xương hàm dưới.

- Dây chằng bướm - hàm dưới: là một dải sợi ở mặt trong khớp, đi từ gai xương bướm tới lưỡi xương hàm dưới ở ngay trước lỗ hàm dưới.

- Dây chằng trâm – hàm dưới: là một dải sợi ở mặt sau trong khớp, đi từ mỏm trâm của xương thái dương tới góc xương hàm dưới.

- Dây chằng chân bướm hàm: đi từ móc mỏm chân bướm trong tới bờ trên của xương hàm dưới ngay sau răng cối thứ 2.

III. Mạch và thần kinh:

- Động mạch: khớp thái dương hàm dưới được cấp máu bởi các nhánh của động mạch: thái dương giữa, màng não giữa, nhĩ trước, hầu lên.

- Bạch huyết đổ về các hạch bạch huyết của tuyến mang tai.

- Thần kinh: nhánh của thần kinh cắn và dây tai thái dương.

IV. Động tác:

Hoạt động của khớp thái dương hàm dưới được thực hiện nhờ sự phối hợp hoạt động của cả 2 khớp 2 bên và dựa trên 2 động tác cơ bản tại khớp là:

- Động tác bản lề: chỏm xương hàm dưới xoay trong mặt lõm của đĩa khớp theo trục ngang.

- Động tác trượt: đĩa khớp trượt trên củ khớp và diện khớp của hố hàm dưới.

Động tác hạ và nâng hàm dưới là hoạt động điển hình minh hoạ cho các động tác này.

- Khi hàm dưới nâng: đĩa khớp nằm tiếp xúc với mặt sau củ khớp và diện khớp của hố hàm dưới. Đầu tiên chỏm xương hàm dưới và đĩa khớp dịch chuyển ra sau, tiếp đó chỏm xoay trên mặt dưới đĩa khớp. Xương hàm được nâng lên nhờ cơ thái dương, cơ cắn và cơ chân bướm trong, các sợi sau của cơ thái dương kéo chỏm xương hàm dưới ra sau. Đĩa khớp được kéo ra sau nhờ mô xơ chun.

- Khi hàm dưới hạ: chỏm xương hàm dưới xoay trên mặt dưới của đĩa khớp quanh một trục ngang. Cổ xương hàm dưới và đĩa khớp cùng được cơ chân bướm ngoài kéo ra trước và đĩa khớp dịch chuyển tới dưới củ khớp. Chuyển động ra trước của đĩa khớp được giới hạn bởi sức câng của mô xơ chun buộc đĩa khớp vào xương thái. Xương hàm dưới được hạ thấp nhờ cơ nhị thân, cơ cằm móng và cơ hàm móng. Cơ chân bướm ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc kéo xương ra trước.

+ Khi hàm dưới hạ nhẹ: động tác xảy ra chủ yếu ở khớp đĩa khớp hàm dưới, động tác bản lề chiếm ưu thế.

+ Khi hàm dưới hạ rộng: động tác được thực hiện ở cả 2 khớp thái dương – đĩa khớp và đĩa khớp – hàm dưới, động tác bản lề và trượt phối hợp nhau.

- Đưa hàm dưới ra trước: đĩa khớp được kéo ra trước tới mặt dưới củ khớp và chỏm xương hàm dưới được kéo theo cùng đĩa khớp. Tất cả cử động chỉ diễn ra ở khớp thái dương – đĩa khớp. Hàm dưới đưa ra trước làm cho các răng hàm dưới nằm trước răng hàm trên. Động tác này xảy ra khi cơ chân bướm ngoài ở cả 2 bên cùng co với sự hỗ trợ của cơ chân bướm trong.

- Đưa hàm dưới ra sau: đĩa khớp và chỏm xương hàm dưới được kéo ra sau về hố hàm dưới. Động tác này diễn ra nhờ các sợi sau của cơ thái dương.

- Đưa hàm dưới qua lại sang bên: trong động tác này thì chỏm xương hàm dưới một bên thì xoay tại chỗ, còn chỏm xương hàm dưới bên kia thì được đưa ra trước.

- Các cử động nhai từng bên: là việc luân phiên đưa hàm dưới ra trước và ra sau ở mỗi bên.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 09/07/2011