Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Sốt xuất huyết

Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, phân độ và điều trị sốt xuất huyết

I. Lâm sàng:

1. SXH-D không shock

- Bệnh thường khởi phát đột ngột với dấu hiệu sốt cao kèm chán ăn, ói mửa, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, đau thượng vị, hạ sườn phải hay đau họng.

- Sốt cao liên tục từ 2 – 7 ngày.

- Gan to trong giai đoạn đầu của bệnh. Kích thước thay đổi từ mấp mé bờ sườn đến to khoảng 2 – 4 cm dưới bờ sườn kèm đau.

- Hiện tượng xuất huyết thường gặp là:

+ Dấu dây thắt (+).

+ Nơi tiêm chích dễ chảy máu hay bị bầm.

+ Xuất huyết dưới da xuất hiện rải rác ở chi, nách, mặt, vòm hầu, đôi khi chảy máu chân răng, hoặc xuất huyết tiêu hoá nhẹ.

Trong các trường hợp nhẹ hoặc trung bình khi hết sốt thì các triệu chứng khác cũng giảm theo. Bệnh thường tự khỏi sau khi bù đủ dịch và điện giải.

2. SXH-D có shock

Trong các trường hợp nặng, sau vài ngày sốt, tình trạng BN đột ngột xấu đi, thông thường vào ngày thứ 3 – 5 của bệnh.

- Sốt giảm đột ngột.

- Mạch quay nhanh nhẹ khó bắt hoặc không bắt được.

- Huyết áp (HA) giảm hoặc = 0.

- Da lạnh, xanh tái quanh môi.

- Đờ đẫn, bứt rứt.

- Thời gian sốc thường ngắn từ 24 – 48 giờ.

Sốc là tình trạng cấp cứu cần can thiệp kịp ngay, nếu không BN sẽ tử vong.

3. Dấu hiệu phục hồi:

Thời gian sốc ngắn, kéo dài từ 24 – 48 giờ, nếu điều trị hiệu quả sẽ phục hồi nhanh chóng. Tình trạng hồi phục cũng giống như SHX-D không shock: mạch, HA ổn định, tổng trạng khá dần, ăn uống ngon miệng, tiểu nhiều, tử ban hồi phục (rash) xuất hiện ở phần xa của chi dưới dạng li ti trên mặt da nề đỏ, ngứa và nhịp tim chậm lại.

II. Cận lâm sàng:

- Công thức máu: chú ý hematorit (Hct) và tiểu cầu (TC)

+ Hct tăng > 20% trị số bình thường.

+ TC giảm < 100.000/mm3.

+ BC rất ít thay đổi, có thể tăng hoặc giảm.

+ Lymphocytes bất thường có thể gặp trong một số ít trường hợp.

- Xét nghiệm về chức năng đông máu: ở thể bệnh nặng.

- Phân lập siêu vi gây bệnh: rất đặc hiệu nhưng độ nhạy thấp.

- Huyết thanh chẩn đoán: HI test, Mac-ELISA tìm IgM, IgG…

- Phản ứng khuếch đại chuỗi gen (PCR)

III. Phân độ SXH:

Phân độ SXH theo WHO:

- Độ I: sốt kèm theo những dấu hiệu không đặc hiệu và dấu dây thắt (+).

- Độ II: độ I + xuất huyết tự nhiên [SXH-D không sốc hay SXH-D nhẹ]

- Độ III: truỵ tim mạch với mạch nhanh, nhẹ; huyết áp hạ - kẹp.

- Độ IV: HA = 0; M = 0.

IV. Điều trị:

1. SXH-D không shock:

SXH-D độ I:

Chỉ dùng thuốc hạ sốt họ Acetaminophen 10 – 15 mg/kg/lần x 4 ngày và cho uống nhiều nước (cam, chanh, ORS hay nước chín để nguội) kèm lau mát, cho ăn lỏng.

SXH-D độ II:

- Không truyền dịch khi mạch và HA tốt, điều trị như SXH độ I.

- Truyền dịch khi BN có ói nhiều lần, ói ra máu hoặc đi cầu phân đen, gan to nhanh, đau bụng nhiều, cô đặc máu tăng cao mặc dù mạch và huyết áp còn khá tốt.

+ Lactate Ringer, Dextrose, Normal saline 9%o 6 – 7 ml/kg/giờ x 2 – 3 giờ.

* Nếu cải thiện thì giảm xuống 3 – 5 ml/kg/giờ và ngưng dịch sau 24 giờ.

* Nếu không cải thiện, BN vào sốc thì xử trí như độ III.

+ Nếu HA tối đa & HA tối thiểu cách nhau 25 mmHg thì việc điều trị phải coi như SXH-D độ III.

2. SXH-D có shock:

SXH-D độ III:

Lactate Ringer (Normal saline) 15 – 20 ml/kg/giờ truyền TM.

- Nếu sau 1 giờ HA tốt:

+ Truyền điện giải với liều 10 ml/kg/giờ x 24 giờ.

+ Sau đó giảm dần xuống 7,5 ml/kg/giờ x 2 giờ.

+ Sau đó giảm xuống 5 ml/kg/giờ x 4 giờ.

+ Sau đó giảm xuống 3 ml/kg/giờ x 6 giờ.

+ Mạch, Hct giảm, HA ổn định, nước tiểu có trên 1,5 ml/kg/giờ thì ngưng dịch sau 24 – 48 giờ.

- Nếu sau 1 giờ truyền L/R mà HA còn kẹp thì dùng:

+ Dextran 40 liều 15 – 20 ml/kg/giờ (có thể thay thế bằng Dextran 70 hay Gelatine nhưng phải thận trọng). Sau đó:

* Nếu HA tốt, mạch nhanh hoặc Hct còn cao dùng cao phân tử tốc độ chậm hơn 10 ml/kg/giờ x 1 – 2 giờ, sau đó giảm dần liều như trên.

* Nếu HA còn kẹp dùng thêm 1 lần cao phân tử nửa liều (15 – 20 ml/kg/giờ) và phải đo áp lực tĩnh mạch TW (CVP) và cần theo dõi sát HA mỗi 30 phút, 60 phút và Hct mỗi 3 – 6 giờ, thăm khám: tim, phổi, thận, bụng để hạn chế tình trạng quá tải sau này.

- Thời gian điều trị bằng truyền dịch là 24 – 36 giờ với tổng lượng dịch từ 120 – 150 ml/kg/24 giờ.

- Nếu có tím tái, khó thở: thở oxy qua cannula 6 – 8 L/phút.

- Nếu có dấu hiệu toan huyết cho:

+ Natri bicarbonate ưu trương 7,5% 1 – 2 mEq/kg/lần.

+ Có thể cho thêm đường ưu trương 30% 1 – 2 ml/kg/lần.

- Nếu có xuất huyết ồ ạt hoặc Hct giảm dưới 30% cần truyền máu tươi cùng loại.

SXH-D độ IV:

HA = 0; M=0: giai đoạn shock không hồi phục nên cần cho ngay:

- Thở oxy, nằm đầu thấp.

- Bơm trực tiếp Lactate Ringer ‘s 15 – 20 ml/kg/15 phút.

- Sau đó nếu:

+ HA tốt: cao phân tử 10 ml/kg/giờ x 1 giờ, rồi tiếp tục giảm liều giống như trên.

+ HA kẹp: cao phân tử 15 – 20 ml/kg/giờ như độ III phần trên.

+ HA = 0, M = 0, bơm trực tiếp cao phân tử 20 ml/kg/15 phút đo CVP để hướng dẫn điều trị (có thể dùng vận mạch).

- Thường tỉ lệ tử vong khá cao ≈ 50% - có đông máu nội mạch lan toả và tử vong trong bệnh cảnh xuất huyết tiêu hoá ồ ạt.

- Nếu có tình trạng quá tải xảy ra thì dùng Digitalis và Lasix là loại thuốc hữu hiệu.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 07/07/2011