Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Tiêu chảy

Đánh giá bệnh nhân tiêu  chảy và điều trị tiêu chảy mất nước nặng

I. Đánh giá bệnh nhân tiêu chảy:

BN đến cơ sở y tế vì tiêu chảy phải được đánh giá mất nước và các vấn đề khác trước khi có kế hoạch điều trị.

1. Đánh giá tình trạng mất nước của bệnh nhi:

Các dấu hiệu

Phân loại

Hai trong các dấu hiệu sau:

- Li bì khó đánh thức.

- Mắt trũng.

- Không uống được hay uống kém.

- Nếp véo da mất rất chậm (>2 giây).

Mất nước nặng

Hai trong các dấu hiệu sau:

- Vật vã kích thích.

- Mắt trũng.

- Uống nước háo hức, khát.

- Nếp véo da mất chậm.

Có mất nước

Không đủ các dấu hiệu để phân loại có mất nước hoặc mất nước nặng

Không mất nước

Sau  khi khám dấu hiệu mất nước, kết quả thăm khám được, xem lại để xác định độ mất nước và lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp.

- Không có dấu hiệu mất nước, điều trị theo phác đồ A.

- Có mất nước, điều trị theo phác đồ B.

- Mất nước nặng, điều trị theo phác đồ C.

2. Đánh giá những vấn đề khác của bệnh nhân:

Sau khi BN được đánh giá để tìm dấu hiệu mất nước, một số vấn đề khác kèm theo tiêu chảy cần phải được xem xét:

- Lỵ: cán bộ y tế (CBYT) phải xem phân có đàm máu hay không? Nếu có đàm máu thì BN được coi như bị lỵ và phải được điều trị ngay.

- Tiêu chảy kéo dài: CBYT hỏi tổng số ngày bị tiêu chảy, xem BN có bị tiêu chảy kéo dài hay không? Cần phân biệt thế nào là một đợt tiêu chảy mới: trẻ đi ngoài bình thường trong 1 – 2 ngày, rồi lại tiếp tục bị tiêu chảy.

+ Nếu phân thành khuông không quá 2 ngày thì vẫn xem là 1 đợt tiêu chảy.

+ Nếu thời gian đi tiêu phân bình thường quá 2 ngày thì bất kỳ đợt tiêu chảy nào kế tiếp xảy ra đều được coi như là 1 đợt tiêu chảy mới.

- Suy dinh dưỡng: một trẻ bị tiêu chảy, cầm khám xem trẻ có suy dinh dưỡng không? Nếu có hãy phân thể nào? mức độ nào? Cần hỏi thêm về tiền sử gia đình của trẻ trước khi bị tiêu chảy và trong lúc bị tiêu chảy (vd bú mẹ hay sữa động vật, bú ngày mấy lần, mỗi lần bao nhiêu, nếu trẻ đã ăn sam, hỏi thêm thành phần thức ăn, số lượng mỗi lần ăn, ăn mấy lần 1 ngày…)

- Thiếu vitamin A: hỏi xem trẻ có bị quáng gà không? Hoặc khám mắt có vết Bitot’s không? (hoặc khô, loét giác mạc). Nếu trẻ có bị quáng gà hay có vết Bitot’s là biểu hiện của thiếu vitamin A và cần điều trị ngay bằng vitamin A.

- Sốt: cần phải hỏi trong 5 ngày qua trẻ có sốt không? Phải đo nhiệt độ, nếu trẻ có sốt cần hỏi thêm tính chất sốt như thế nào? Để tìm nguyên nhân sốt và điều trị thích hợp.

- Tiêm phòng sởi: cần hỏi để biết trẻ được tiêm phòng sởi hay chưa? Nếu trẻ dưới 2 tuổi mà chưa tiêm phòng sởi thì phải tiêm cho trẻ.

Ngoài 6 vấn đề khác đã nêu trên, chúng ta cần phải khám toàn thân xem trẻ có bệnh lý gì khác không, để có hướng điều trị thích hợp.

II. Điều trị tiêu  chảy  mất nước nặng (phác đồ điều trị C)

Khi BN tiêu chảy mất nước nặng, dùng phác đồ điều trị C.

Điều trị BN tiêu chảy mất nước nặng (không kèm theo SDD nặng). Truyền tĩnh mạch ngay, 100 ml/kg dung dịch Lactat Ringer’s, chia số lượng và thời gian tuỳ theo tuổi của trẻ, như sau

Tuổi

Lúc đầu cho

Sau đó truyền

Trẻ < 12 tháng

30 ml/kg/giờ (*)

70 ml/kg/5 giờ

Trẻ > 12 tháng

30 ml/kg/30 phút (*)

70 ml/kg/2 giờ 30 phút

- Điều trị lại một lần nữa với số lượng và thời gian tương tự (*), nếu mạch quay còn yếu hoặc không bắt được.

- Cứ 1 – 2 giờ khám đánh giá lại BN, nếu tình trạng mất nước không tiến triển tốt thì truyền nhanh hơn.

- Ngay khi BN uống được hãy cho uống ORS 5 ml/kg/giờ.

- Sau 6 giờ (trẻ nhỏ), 3 giờ (trẻ lớn), khám đánh giá lại chọn phác đồ điều trị thích hợp:

+ Nếu không có dấu hiệu mất nước, điều trị phác đồ A.

+ Nếu có mất nước, điều trị phác đồ B.

+ Nếu mất nước nặng, điều trị phác đồ C.

- Nếu cơ sở y tế không có điều kiện truyền dịch, BN còn uống được, hãy cho uống dung dịch ORS 20 ml/kg/giờ x 6 giờ.

+ Cứ 1 – 2 giờ đánh giá lại BN. Nếu nôn nhiều cho uống chậm hơn. Nếu sau 3 giờ tình trạng mất nước không cải thiện, hãy chuyển BN lên tuyến trên để truyền dịch.

+ Sau 6 giờ (nếu bệnh tiến triển tốt), khám lại BN và chọn phác đồ điều trị thích hợp.

- Nếu cơ sở y tế không có điều kiện truyền dịch, CBYT đã được huấn luyện dùng ống thông dạ dày để bù nước. Dùng dung dịch ORS 20 ml/kg/giờ x 6 giờ.

+ Cứ 1 – 2 giờ đánh giá lại BN. Nếu nôn nhiều lần hoặc bụng chướng tăng thì cho dịch vào chậm hơn. Nếu sau 3 giờ tình trạng mất nước không cải thiện, hãy chuyển BN lên tuyến trên để truyền dịch.

+ Sau 6 giờ (nếu bệnh tiến triển tốt), khám lại BN và chọn phác đồ điều trị thích hợp.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 07/07/2011

Số lượt truy cập
11.009.748
452 người đang xem