Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Tăng huyết áp

Tăng huyết áp: nguyên nhân, triệu chứng cơ năng và biến chứng


A. Nguyên nhân của tăng huyết áp:

Trên 90% các trường hợp tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, gọi là tăng huyết áp vô căn. Huyết áp thường bắt đầu tăng ở tuổi từ 35 – 50, ít gặp ở người trẻ. Trong giai đoạn đầu huyết áp thường tăng nhẹ.

Những nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát: phải tìm nguyên nhân gây tăng huyết áp, đặc biệt ở bệnh nhân trẻ tuổi, tiền sử tăng huyết áp ngắn, mức độ tăng huyết áp nặng, lâm sàng hoặc xét nghiệm cơ bản nghi ngờ có nguyên nhân, đáp ứng với điều trị kém.

I. Do thận:

- Bệnh chủ mô thận:

+   Viêm thận kẽ.

+ Thận đa nang.

+ Bệnh nang tủy thận.

+ Viêm vi cầu thận cấp.

+ Viêm vi cầu thận mãn.

+ Xơ hóa thận.

- Bệnh động mạch thận: những dấu hiệu nghi ngờ bệnh mạch máu thận gồm:

+   Khởi phát sớm thường trước 30 tuổi, đặc biệt không có tiền căn gia đình về tăng huyết áp.

+ Âm thổi ở bụng.

+ Tăng huyết áp tiến triển và kháng trị.

+ Phù phổi cấp tái phát.

+ Suy thận không rõ nguyên nhân đặc biệt xét nghiệm nước tiểu bình thường.

+   Suy thận cấp do điều trị thuốc chống tăng huyết áp đặc biệt là thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể Angiotensin II.

Chẩn đoán bằng siêu âm Doppler mạch máu thận, chụp động mạch thận cản quang.

II. Nội tiết

- Thượng thận:

+   Cường aldosterol nguyên phát; thường gặp ở phụ nữ, tuổi từ 30 – 50. Bệnh nhân tăng huyết áp kèm hạ kali máu nặng.

+   Hội chứng Cushing.

+ U tủy thượng thận.

+ Phì đại tuyến thượng thận bẩm sinh.

- Cường giáp, cường tuyến cận giáp.

III. Hẹp eo động mạch chủ, tăng áp lực nội sọ

IV. Tăng huyết áp lúc có thai

V. Do thuốc:

1. Cyclosporin.

2. Thuốc ngừa thai loại uống.

3. Glucocorticoids.

4. Mineralocorticoids.

5. Erytropoietin.

6. Thuốc kích thích giao cảm.

7. Thuốc chống trầm cảm.

8. Thuốc kháng viêm non – steroid.

9. Thuốc chống xung huyết mũi.

B. Triệu chứng cơ năng:

- Triệu chứng lâm sàng: những triệu chứng lâm sàng của tăng huyết áp rất khác nhau và những triệu chứng này thường không đặc hiệu.

- Phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp qua việc khám sức khoẻ, khám bệnh  vì bệnh khác hoặc do những biểu hiện của tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp.

- Những triệu chứng thường gặp của người bệnh có thể nằm 1 trong 3 nhóm:

o Do HA cao.

Nhức đầu, xây xẩm, hồi hộp, dễ mệt và bất lực.

o Bệnh mạch máu của THA.

Chảy máu mũi, tiểu ra máu, mờ mắt, cơn yếu hay chóng mặt do thiếu máu não thoáng qua, cơn đau thắt ngực, khó thở do suy tim. Đôi khi đau ngực do bóc tách động mạch chủ hoặc do túi phình ĐMC rỉ xuất huyết

o Bệnh căn gây ra THA (THA thứ phát).

Uống nhiều, tiểu nhiều, yếu cơ do hạ kali máu ở BN cường Aldosterone tiên phát.

* Tăng cân, dễ xúc động ở BN bị hội chứng Cushing.

* Nhức đầu, hồi hộp, toát mồ hôi, xây xẩm khi thay đổi tư thế ở BN u tuỷ thượng thận.

C. Biến chứng

Biến chứng do THA không chỉ phụ thuộc vào mức độ HA mà còn phụ thuộc vào có tổn thương cơ quan đích hay không, sự hiện diện các yếu tố nguy cơ tim mạch, thời gian mắc bệnh và việc điều trị.

1. Biến chứng tim mạch:

Tăng huyết áp làm gia tăng nguy cơ bệnh mạch vành, suy tim.

- Dầy thất trái: dầy thất trái để thích nghi với gia tăng hậu tải do THA. Tuy nhiên, dầy thất trái là yếu tố nguy cơ độc lập chủ yếu của đột tử, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim… Dầy thất trái có thể phát hiện được nhờ ECG, X quang ngực, siêu âm tim.

- Suy tim: trên 90% BN suy tim ở Mỹ có THA, những thay đổi về cấu trúc thất trái như dầy, dãn thất trái, cũng như thiếu máu cục bộ cơ tim gây ra suy tim.

- Bệnh mạch vành: THA là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh mạch vành.

- Bệnh mạch máu lớn: THA là yếu tố nguy cơ chính của xơ vữa động mạch chủ, mạch cảnh, mạch ngoại biên, hậu quả là phình, phình tách động mạch chủ, đi cách hồi.

2. Bệnh mạch máu não:

Khoảng 500.000 người Mỹ bị tai biến mạch máu não (TBMMN) mỗi năm và 1/3 tử vong. Tử vong do TBMMN đứng hàng thứ 3 ở Mỹ sau bệnh tim và ung thư. Phần lớn TBMMN là do tắc mạch (khoảng 80%), kế đến là chảy máu trong não và chảy máu màng não.

3. Bệnh thận:

THA mãn tính có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng thận ngay cả THA nhẹ. Xơ hoá thành tiểu động mạch đến là cơ chế chính, thường không triệu chứng trong giai đoạn đầu, triệu chứng thường gặp là tiểu đêm, xét nghiệm nước tiểu có thể có đạm niệu vi thể. Bệnh có thể tiến triển đến suy thận mãn tính.

4. Biến chứng mắt:

Theo xếp loại của KEITH – WAGENER và BAKER tổn thương đáy mắt do THA được chia làm 4 mức độ:

- Mức độ I: lòng động mạch bị co hẹp.

- Mức độ II: có dấu bắt chéo động – tĩnh mạch (dấu S.GUNN).

- Mức độ III: có dấu bắt chéo động – tĩnh mạch, phù nề xuất huyết, xuất huyết võng mạc.

- Mức độ IV: mức độ III và phù gai thị.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 03/07/2011

Số lượt truy cập
11.019.115
215 người đang xem