Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
VÔ NGÃ - VÔ THƯỜNG

1. Vô ngã (無我, sa. anātman, pi. anattā), quên đi cái tôi, quên đi bản ngã, quên đi cái cho riêng mình.  

2. Vô thường (無常; sa. anitya; pi. anicca) nghĩa là "không có gì là trường tồn".

Toàn bộ giáo lý Đạo Phật không ngoài Tứ Diệu Đế. Nhận chân được thế giới vô thường, nhân sinh vô ngã là đã thấu triệt được hai phạm trù đầu tiên là khổ đế và tập đế. Hai phạm trù này thuộc cái bi thẩm mỹ. Từ đó, định ra cho mình một cách sống tích cực đễ đạt được bản lĩnh tự tại, an nhiên, lạc quan trong cuộc sống. Điều này cũng có nghĩa hành giả đã chuyển hóa cái bi ấy thành cái đẹp, cao cả để thực thi một quá trình "sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình."

Đẹp trước hết là sự thật. Cái đẹp chân chánh chỉ xuất hiện trên cơ sở sự thật. Người ta gọi là thật khi nhận thức của chúng ta phù hợp với thực tại khách quan. Đó là sự đồng điệu giữa ta và vũ tru. Hài hòa như một nhạc khúc. Nắm chắc sự vận hành của qui luật và sống đúng theo qui luật ấy, con người sẽ đạt được an lạc, đó là đẹp. Trên tinh thần ấy, con người hành xử đúng theo chiều hướng phát triển của lịch sử, và xã hội góp phần thúc đẩy xã hội tiến bộ, sáng tạo ra lịch sử làm cho cuộc sống trở nên sinh động. "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi,
để mai tôi trở về cát bụi…"
Phạm trù đẹp còn biểu hiện ở sự nhận thức một cách biện chứng về cuộc sống đang vận động và phát triển. Trong ý nghĩa đó, thiền sư Mãn Giác rất lạc quan:
"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai"
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai).

Cuối cùng, mức độ cao nhất trong phạm trù cái đẹp là lòng vị tha. Đây là cái đẹp đến độ viên mãn, cái đẹp vong thân, chỉ cống hiến mà không hưởng thụ, thể hiện đầy đủ chất nhân văn của chủ nghĩa nhân đạo trong hệ thống Phật học. Bản chất của cái đẹp thật trong sáng và lành mạnh. Vì vậy, “vô ngã vô thường” thật đẹp trong định hướng sống, và tuyệt đẹp trước lẽ sắc sắc – không không.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 31/10/2010