Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Thầy thuốc và quản lý thầy thuốc

Bích Khê có hai câu thơ rất hay: "Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi/Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi/"(Tỳ bà). Người ta cũng có thể nói về y đức của người thầy thuốc như vậy: không phải những lời kêu gọi thống thiết, những lời thề thốt từ bên ngoài, mà chính từ cách sống, lối đối nhân xử thế, từ quan niệm nhân sinh của người thầy thuốc mà ta nhận ra y đức ở họ.

Quản lý thầy thuốc là làm sáng lên y đức đã có ở tiền nhân và đang có ở người thầy thuốc hiện đại. Và rõ ràng, những người quản lý thầy thuốc trước hết phải là những người có y đức, tích hợp và phát sáng được y đức. Dù thời thế có đổi thay, nhiều quan niệm sống ngày xưa đã không còn tương thích với cuộc sống hôm nay, nhưng với người thầy thuốc - người đã tâm niệm suốt đời mình chỉ theo đuổi một mục đích: trị bệnh cứu người - thì hai câu thơ của Hải Thượng Lãn Ông vẫn còn nguyên giá trị: "Công danh trước mắt trôi như nước/Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương". Khi người thầy thuốc đã có nhân có nghĩa, thì không gì có thể khiến họ đi chệch mục tiêu trị bệnh cứu người của mình.
Người ta đã nói rất nhiều về những tiêu cực trong ngành y, nhưng theo tôi nhận thấy, thì tiêu cực lại rơi vào những người làm nhiệm vụ quản lý thầy thuốc ở các cấp, nhiều hơn là rơi vào những thầy thuốc, những y tá, y sĩ hay hộ sinh. Nếu ta biết, với một ca mổ trung phẫu mà kíp mổ có khi lên tới 5 người, thì tiền bồi dưỡng ca mổ ấy là bao nhiêu, ta sẽ giật mình kinh ngạc! Mà trong ca mổ ấy, không chỉ bác sĩ trực tiếp cầm dao mổ phải tập trung căng thẳng, mà bác sĩ gây mê, rồi những phụ mổ, tóm lại là toàn bộ kíp mổ đều phải tập trung rất căng thẳng để bảo đảm thành công cho ca mổ. Vậy mà số tiền bồi dưỡng họ nhận được sau ca phẫu thuật thật xót lòng! Ta không thể kêu gọi về y đức một cách lý thuyết chung chung được, khi nhìn vào "ba-rem" tiền bồi dưỡng cho y, bác sĩ tại các bệnh viện.
Chính vì thiếu những phương thức đãi ngộ cho xứng đáng phần nào với công sức của người thầy thuốc, mà đã xuất hiện đó đây nhiều hiện tượng tiêu cực khiến người bệnh phải đau khổ. Nếu chúng ta có những quy định rõ ràng, minh bạch, không cào bằng khả năng đóng góp của bệnh nhân và gia đình họ, chỗ nào có thể thu phí, và chỗ nào miễn phí, thì thu nhập chính đáng của người thầy thuốc ngay tại bệnh viện sẽ được nâng cao, và họ có thể toàn tâm toàn ý phục vụ người bệnh ngay tại bệnh viện. Mặt khác, lại phải có hành lang pháp lý cho phép người thầy thuốc có thể khám bệnh tại gia, hoặc kiêm nhiệm trách vụ thầy thuốc gia đình, phục vụ người bệnh ngay tại nhà… thì mới có thể siết chặt kỷ luật nghề nghiệp tại bệnh viện.

Quản lý thầy thuốc một cách rõ ràng minh bạch như thế, tạo điều kiện tăng thu nhập chính đáng cho thầy thuốc như thế chính là cách tốt nhất để hạn chế tối đa những tiêu cực ngay tại bệnh viện. Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2) hằng năm là dịp để chúng ta tôn vinh nghề y - một nghề vô cùng cao quý, tôn vinh những người thầy thuốc tài năng và đạo đức - điều không hiếm ngay trong xã hội ta bây giờ, nhưng cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những bất cập, những sai lầm trong việc quản lý ngành y, quản lý thầy thuốc. Và phải chăng, trước khi kêu gọi y đức của những thầy thuốc, của những người trực tiếp phục vụ bệnh nhân, thì phải nghiêm khắc rà soát lại y đức trong hàng ngũ những người làm công tác quản lý y tế ở các cấp. Vì khi người quản lý y tế mà thiếu y đức, mà tiêu cực, thì tai hại sẽ khôn lường. Một thầy thuốc vô lương tâm, thiếu y đức có thể giết chết một bệnh nhân. Một người quản lý y tế nếu thiếu y đức sẽ gây tai họa cho cả cộng đồng.

www.thanhnien.com.vn
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 02/11/2010