Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Y khoa thời loạn

Người đọc báo những ngày gần đây cảm thấy bất an trong lòng khi đọc các tin tức y tế, toàn những tiêu cực. Đọc xong phải suy nghĩ. Càng suy nghĩ càng bất an, sức khỏe giảm sút ngày thêm trầm trọng. Sức khỏe giảm sút nên tính đi bác sĩ, nhưng ngẫm lại thấy phân vân.

Mấy hôm trước đọc thấy tin các bác sĩ tép riu vi phạm quy chế hành nghề. Hôm nay đọc tin lại thấy các bác sĩ thuộc hàng cá voi cũng vi phạm quy chế hành nghề, bị phạt hàng triệu bạc. Có những tên tuổi được xếp vào hàng thiêng liêng, bất khả xâm phạm như GS Đặng Vạn Phước, hiệu trưởng trường Đại học y dược TPHCM, BS Lê Thị Kim Quý – Giám đốc Trung Tâm Dinh Dưỡng TPHMC, BS Võ Thị Bạch Sương, cũng quan chức trường ĐHYD… bị phạt vì vi phạm quy chế.

Nếu kiểm tra mười chỗ mà có một hai chỗ vi phạm thì nghĩa là những chỗ vi phạm làm sai. Nếu tép riu vi phạm mà cá voi không vi phạm thì nghĩa là tép riu làm sai. Đàng này kiểm mười chỗ vi phạm chín chỗ rưỡi, cả tép riu lẫn cá mập đều vi phạm thì có nghĩa là (gần như) toàn xã hội là sai.

Rùng mình, toàn xã hội mà sai như thế ư? Ngẫm lại thấy hình như như thế thật. Một cô bé 18 tuổi, đăng ký học dược tá 3 tháng, ra bán thuốc. Ai bệnh gì cô "dược sĩ" đó cũng cho thuốc được hết. Rùng mình khi mà tôi mua thuốc Prednisone (kháng viêm) thì cô “dược sĩ 3 tháng” kia móc ra bán thuốc Thyrozole (trị bướu cổ). Tôi hỏi lại thì cô quát “Ai bảo nói không rõ!”. Nói không rõ nên bán ẩu, đơn thuốc chữ bác sĩ không rõ nên cũng bán ẩu, không nói, không viết gì hết cũng bán ẩu luôn.

Cái quyền cho thuốc của cô dược tá còn to hơn quyền cấp thuốc của GS Hiệu Trưởng Trường Y. Vị giáo sư bị phạt vì vi phạm quy chế. Mặc dù quy chế này là khuôn vàng thước ngọc của pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân nhưng nó đang được áp dụng vào một "xã hội tự điều tiết". Trong "xã hội tự điều tiết" thì các chuẩn mực, các luật lệ, các quy tắc chỉ mang tính hình thức, hoàn toàn không có giá trị điều tiết hay điều chỉnh hành vi xã hội. Người ta phải tự thích nghi trong những quy tắc đó bằng cách tự méo mó, luồn lách... Bác sĩ lương một vài triệu một tháng vẫn sống được trong cơ chế tự điều tiết. Giáo sư y khoa hay dược tá đều tự điều tiết, tự thích nghi.

Những quy tắc hay luật lệ khuôn vàng thước ngọc kia vẫn đầy giá trị, nhưng là giá trị cho người nắm quyền kiểm tra luật lệ. Cứ căn cứ vào luật lệ để áp vào thực tế loạn xạ này thì sẽ có khối người sẽ bị phạt khi bị kiểm tra. Không bắt thì thôi, bắt là dính. Muốn phạt theo kiểu nào? Thôi, phạt không biên bản nhé! Hay là phạt trước khi kiểm tra? Phạt trước khi kiểm tra thì sẽ được thông báo trước để được tiếng thơm là "không vi phạm".

Đi kiểm mà xem, có mấy nhà thuốc tây có dược sĩ thứ thiệt đứng bán? Không thấy đâu, các dược sĩ cho mướn bằng hết rồi. Ngay cả các dược sĩ làm công chức nhà nước, chuyên môn làm cái việc đi kiểm tra vi phạm nhà thuốc cũng cho mướn bằng. Không cho mướn bằng thì lấy gì mà sống? Lương hai triệu đồng một tháng mà sống được à?

Giá thuốc cao cắt cổ ư? Kệ nó. Giá nhập vài ngàn, giá bán vài triệu. Nếu không có khoản chênh lệch đó thì lấy đâu ra tiền cho đội ngũ y bác sĩ lương còm sống? Đường nào thì cũng là tiền của người dân. Dân đóng thuế rồi trả vào lương cao, hay cứ trả theo đường giá thuốc thì cũng thế.

Bảo hiểm y tế luôn là vấn đề nói hoài không hết. Nhìn biểu đồ thu chi của BHYT mà cứ tưởng nhìn sóng thần, ba hồi lên cao chất ngất, ba hồi rút sạch trơ đáy. Kết quả thấy ngay sau mỗi đợt điều chỉnh. Mọi quy tắc, thu chi của bảo hiểm đều được đặt ra một cách cảm tính, không có một quyết định, chính sách nào dựa vào toán thống kê - xác suất. Những công ty bảo hiểm đại gia trả lương rất cao cho dân làm toán thống kê - xác suất. Chính những con số cao cấp này mới là căn cứ để nhà hoạch định đưa ra chính sách đúng đắn. BHYT Việt Nam không chịu sự chi phối của toán học mà chịu sức ép của những thứ như "nghèo", "diện chính sách", "dư luận"...

Dịch bệnh thì cứ xảy ra và quan chức thì cũng lại nói theo cảm tính. Có lẽ phân tiêu chảy và mắm tôm có hình thù và mùi vị na ná nhau nên quan chức Bộ Y tế kết chúng lại theo cặp phạm trù "nhân quả". Dù cho bằng chứng khoa học thực nghiệm và lý luận chứng minh rằng mắm tôm không hề là môi trường phát triển thậm chí là thiên địch của vi trùng tả, Bộ ta vẫn giữ vững lập trường kiên định “mắm tôm là nguyên nhân của bệnh tả”, à mà không, “mắm tôm là nguyên nhân của bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ bệnh tả”. Nói "bệnh tả" thì dân mù chữ cũng biết và tự phòng ngừa. Nói theo miệng nhà quan "bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ vi khuẩn ta” thì bố ai biết được nó là gì. Rất phản tuyên truyền. Nói về bệnh cúm gia cầm của con "H5N1", nghe có vẻ khoa học. Người ta dập dịch bằng cách tận diệt gà vịt chim muông dù là hồng hạc hay phượng hoàng cũng nhét hết vào bao, chôn xuống đất. Vài ngày sau xác chết bốc mùi hôi thúi cả một vùng trời. Cúm đâu không thấy, chỉ thấy ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Rồi sau đó lại là hàng tấn hóa chất diệt mùi tung ra môi trường! Sức đâu mà chịu nỗi?

Vệ sinh an toàn thực phẩm thì chuyện bé xé ra to, chuyện to nhìn không thấy. Nước tương chưa hề làm bệnh cho ai nhưng đủ sức để làm mất ghế Giám đốc và Thanh tra Sở Y tế TPHCM. Còn thảo dược dùng để nhét vào âm đạo phụ nữ thì được Cục An Toàn Thực Phẩm của Bộ Y tế ôm về quản lý, nói đó là “thực phẩm” chức năng.

Xã hội hóa y tế được xem là cứu tinh của y tế Việt Nam . Nhà nước không lo được về y tế cho dân nên đẩy việc này cho dân tự giải quyết. Nhiều lãnh đạo là người của nhà nước nhưng khi nghe đến xã hội hóa cũng muốn ôm đồ nhà nước đi làm ăn riêng. Giám đốc BV Chợ Rẫy còn tự ý mang thương hiệu Chợ Rẫy đi "biếu không" cho các bệnh viện tư nhân khác như "Chợ Rẫy Tây Đô" chẳng hạn.

Nhà nhà mua máy xét nghiệm, người người mua máy CT. Mua máy thì phải xài, có xài mới có tiền. Thế nên dù bệnh nhân nghèo rớt mồng tơi, đã có xét nghiệm và CT của chỗ này thì khi đến chỗ khác vẫn phải làm lại và còn làm nhiều hơn thế nữa. Báo cáo mới nhất nói tại TPHCM có đến 80% xét nghiệm là ... sai. Sai nhưng bệnh nhân vẫn phải trả tiền.

Muốn xã hội hóa, tận dụng y tế tư nhân nhưng lại không cho y tế tư khám sức khỏe định kỳ cho công ty xí nghiệp. Hỏi thì được trả lời "chưa thấy văn bản cho phép thì mặc nhiên xem như là cấm."!

Nói một đường làm một nẻo. Trong khi bệnh nhân nằm kín lối đi của các bệnh viện (Báo cáo về tình hình quá tải ở bệnh viện cuối năm 2007 nói lượng quá tải là 140%) thế nhưng theo chính sách của Bộ Y Tế từ thời của Phó tiến sĩ Trần Thị Trung Chiến để lại thì đến năm 2010 sẽ xóa sổ toàn bộ phòng mạch tư.

Người ta than phiền chất xám từ bệnh viện công chảy ra bệnh viện tư nhưng không thử suy nghĩ "tại sao vậy". Ngoài chuyện lương ít còn nhiều chuyện khác nữa.

Mới đây có tin đăng bệnh viện Việt Đức chê bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, bác sĩ bó tay, bảo người nhà mang về đem chôn. Khi về đến nhà, bệnh viện Trung Ương Huế chụp CT thấy chấn thương sọ não, khui hộp sọ lấy máu tụ. Bệnh nhân sống lại. Nếu bệnh nhân phục hồi đủ năng lực trí tuệ thì cũng có thể làm đơn kiện Việt Đức như chơi.

Công nghệ thông tin trong y tế cũng loạn cào cào. Mấy đời thứ trưởng không làm được một cái chính sách ra hồn. Trong nội bộ Bộ Y Tế không thôi cũng có lắm nhân tài, anh nào cũng viết được phần mềm quản lý bệnh viện dán nhãn của Bộ Y Tế. Những ý tưởng viễn vông Telemedicine có thể tiêu tốn hàng chục tỷ vẫn không mang lại kết quả gì. Thầy vẽ thì nhiều, thợ làm thì ít. Thị trường xuất hiện khá nhiều phần mềm dán nhãn "Bỉ đo". Cái Medisoft 2003 trở thành ám ảnh của bệnh viện vì không xài thì bị phạt 0,5 điểm, mà xài thì không biết để làm gì? Những khái niệm "phần mềm khung", "phần mềm dùng chung" đã thực sự phá sản trong thực tế. Nhiều công ty nhảy vào thị trường phần mềm y tế để khai thác, thậm chí dùng thủ đoạn tranh giành khách như "điều kiện trúng thầu phải có 50 kỹ sư CNTT có chứng nhận của Microsoft..." để người trúng thầu chỉ có thể là hắn. Nhiều dự án hàng vài tỷ đồng cho CNTT bệnh viện như ở Đồng Nai cũng đành đóng băng do các thủ đoạn kinh doanh của doanh nghiệp CNTT cá mập và các thủ tục cản trở của nhà nước.

Trong thời đại thông tin thì hầu như ai cũng làm nhà báo được. Ra dáng con nhà gia giáo nhất là nhà báo viết về y tế. (Nghe đến y tế thì cũng hình dung ra dáng vẻ của nhà trí thức, hiền lành tử tế). Nhưng nhà báo viết về y tế thì không phải ai cũng có cái đầu và trái tim y tế. Họ không bị Parkinson nhưng khoái biến tất cả thành giật gân. “Ăn bưởi gây ung thư”, chỉ vậy thôi mà làm điêu đứng bao nhiêu người nông dân trồng bưởi. BS Nguyễn Xuân Ái chỉ mắc cái tội giàu thôi mà bị đánh hội đồng đến tán gia bại sản. Họ viết không kiềm chế, viết không nghĩ đến hậu quả. Mỗi khi có tin tức gì là hùa nhau viết, viết vô tội vạ. Nghệ thuật tu từ thậm xưng được ứng dụng đến tầm nghệ thuật. Một vài cái rác y tế bán ve chai cũng thành đề tài rùm beng. Các bài viết của báo chí nước ngoài cũng được dịch một cách bậy bạ để cung cấp cho người đọc tạo nên một sự bần cùng về kiến thức. Các trang tin điện tử tha hồ khai thác đề tài tình dục viết dưới dạng “khoa học”. Người dân không chỉ bị ô nhiễm thực phẩm, môi trường nước, môi trường không khí mà còn bị ô nhiễm cả về tinh thần. Nguồn nước ô nhiễm phát tán dịch tả, còn truyền thông phát tán các bệnh gây độc cho tinh thần.

Đứa bạn bị phạt mấy triệu về vi phạm quy chế cười nói:”Giáo sư hiệu trưởng còn làm sai, mình bị phạt thì có nghĩa lý gì?” Người khác lại nói:"Quan chức cỡ nào cũng đánh, đánh để lập lại kỷ cương".

Nghĩ lại, liệu có thể nào có cái sai mà ai cũng sai không, dù đó là người thuộc bậc thầy đáng kính? Không thể được. Một cái sai mà bao trùm toàn xã hội như vậy ắt hẳn không thể xuất phát từ từng con người cụ thể mà từ một điều gì đó to tát hơn, đó là nhà quản lý, tư duy quản lý, cung cách quản lý. Hiện nay người ta đi phạt để giữ một cái luật lệ không phù hợp thực tế. Ông bác sĩ đó bán thuốc cho bệnh nhân thì đã sao? Ông ấy có trách nhiệm bẻ thuốc phân ra từng loại cho em bé uống, như vậy chẳng an toàn hơn là cho một cái toa thuốc mang đến cho cô dược tá 3 tháng hay sao? Tại sao lương y có thể vừa bắt mạch vừa hốt thuốc còn bác sĩ tây y thì không? Nghe nói bên Hàn Quốc bác sĩ có quyền bán thuốc.

Còn nữa, muốn quản lý xã hội tốt thì trước hết phải quản lý bản thân tốt cái đã. Có như vậy thì ngành y khoa, một ngành chuẩn mực về nét đẹp của xã hội mới có thể hiện hình trong cái tinh nguyên trong sáng của nó. Còn hiện tại thì vẫn cứ chấp nhận cái gọi là “y khoa thời loạn”.

Phan Xuân Trung,www.ykhoanet.com
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 02/11/2010

Số lượt truy cập
11.019.446
228 người đang xem