Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
KINH TẾ TRI THỨC

VN đang tụt lại phía sau hầu hết các nước Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) về chỉ số KTTT. Điểm tổng các chỉ số của VN gần đây nhất là 3,17 so với bình quân của EAP là 6,61 (nơi điểm 10 là tốt nhất). Tuy nhiên, phải nhìn nhận VN đã cải thiện vị thế của mình đáng kể so với chính VN thời năm 1995, nơi điểm của VN chỉ là 2,62, cải thiện được 12 hạng. Tuy nhiên, cũng trong thời kỳ đó các nước EAP đã tiến nhiều hơn.

Theo các con số, VN đứng sau các nước EAP ở tất cả 12 chỉ số phụ của KEI. Những lĩnh vực mà VN tụt hậu nhiều hơn trong EAP là ở số bằng sáng chế và các bài báo khoa học trên 1 triệu người, số máy tính và khả năng tiếp cận Internet…

Tuy nhiên quan trọng nhất, theo tôi, là ở các chỉ số điều hành (nhất là việc kiểm soát tham nhũng, chất lượng quản lý) và giáo dục (đặc biệt là tỉ lệ giáo dục đại học hoặc cao đẳng, khi tỉ lệ học đại học, cao đẳng VN chỉ đạt 16% so với mức trung bình là 38% của EAP)

Căn cứ trên bốn trụ cột kinh tế tri thức, báo cáo của WB cho thấy:

1. Giáo dục: Chỉ số giáo dục của VN giảm nhẹ từ 3,56 (1995) còn 3,50 trong năm 2006. Chỉ số này dưới mức bình quân của thế giới (4,35) và dưới bình quân của khu vực (5,26). So với châu Á - Thái Bình Dương, VN hầu như đứng thấp hơn ở tất cả khía cạnh: từ chất lượng quản lý các trường, đào tạo cán bộ và giáo dục trung học mặc dù số công nhân có tay nghề nhìn chung tăng 12,3% (1996) lên 27% (2005).

2. Sáng tạo: Không giống các nước tiên tiến, khu vực công đóng vai trò chính trong hệ thống sáng tạo của VN. Cho đến đầu thập niên 1990, công tác R&D chủ yếu thực hiện trong phạm vi các viện nghiên cứu và đại học, tách biệt khỏi các đối tác sáng tạo khác. Tình hình có cải thiện khi VN thực hiện kinh tế thị trường, với số viện nghiên cứu tăng đáng kể, từ 519 lên 1.120 (giai đoạn 1995 - 2005) và các viện nghiên cứu công được thay bằng việc gia tăng số viện nghiên cứu tư. Tuy nhiên dù số bài báo khoa học có tăng, nhưng đa số chúng được công bố trên các ấn bản VN hơn là quốc tế. Mặt khác, sự gia tăng con số nhà khoa học lại không dẫn tới nhiều phát minh như lẽ ra có thể.

3.ICT: Đây là chỉ số tăng mạnh nhất của VN trong bốn trụ cột của KTTT, tới 1,29 điểm, đạt 3,49 điểm (so sánh với điểm bình quân của thế giới là 6,0, Malaysia 7,30, Singapore 9,19). Tuy nhiên, vấn đề là lực lượng lao động IT của VN còn ít, chưa có kinh nghiệm. Trong 40 triệu công nhân VN, chỉ có 20.000 lao động trong lĩnh vực IT, trong khi chỉ 3.500-4.000 sinh viên tốt nghiệp với các bằng cấp IT hằng năm. Ngoài ra, khu vực ICT VN tiếp tục chậm phát triển nhất khu vực. Chỉ số ICT VN chỉ 3,49 so với 7,04 của châu Á - Thái Bình Dương.

4. Chế độ các định chế và kinh tế: VN xếp hạng thấp trên các tiêu chí về quản trị, nhất là về nạn tham nhũng, chất lượng (thực thi) luật pháp. "Tính hiệu quả của quản trị và sự cai trị của luật pháp thậm chí còn có vấn đề chứ không chỉ (bị xếp hạng) thấp", và "sự ổn định chính trị là chỉ dấu mạnh nhất" trong lĩnh vực này, báo cáo WBI nêu rõ.

Tổng kết, WB coi VN là một "nhà cải cách tích cực", minh họa việc một quốc gia thu nhập thấp có thể tiếp cận nền KTTT như thế nào. Theo đó, VN đã phát triển nhanh chóng bằng cách tận dụng toàn cầu hóa và đã thành công trong việc tìm kiếm, lĩnh hội và vận dụng kiến thức toàn cầu cho nhu cầu đất nước. "Tuy nhiên, đa số tăng trưởng này có được qua đầu tư hơn là qua sáng tạo, và nhiều chỉ số KTTT vẫn còn thấp so với trung bình cả ở mức khu vực lẫn thế giới. VN vẫn đứng trước nhiều thách thức trong xây dựng nền KTTT" - WB kết luận. Bài học thành công của các nền kinh tế châu Á có thể được tham khảo ở cách thay đổi và ứng biến linh hoạt trước các xu hướng mới của toàn cầu hóa

PHAN XUÂN LOAN (Từ Seoul)
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 31/10/2010
THÔNG TIN TIÊU ĐIỂM