TT - Thiên tai là chuyện của trời, “nhân tai” là chuyện của người. Xem qua có vẻ như không dính dáng đến nhau, song trong thực tế hai cái “tai” này rất thường có cơ hội cộng hưởng.
Các tai ách trong cuộc sống, từ lụt lội đến đường sá xuống cấp, nhà máy ô nhiễm… luôn xuất phát từ một sự quản trị tồi (bad governance).
Điều đó không có nghĩa là quản lý giỏi sẽ không có tai họa từ trên trời rơi xuống. Song nếu quản lý tốt sẽ giảm bớt được tai họa thiên nhiên, và xã hội ngăn nắp không có nhiều chỗ cho “nhân tai”.
“Nhân tai” sờ sờ mọi nơi mọi lúc. Lấy thí dụ: đinh rải trên đường, ổ gà ổ voi to đùng, đào đường không san phẳng trả lại, dây điện đứt, cột điện gãy, nhà máy xả nước thải, khói… Đó là những “nhân tai” đầu tiên ở nước nào cũng có thể xảy ra, và gọi là “nhân tai” cấp một. Thế nhưng, nếu các tai ách đó cứ tiếp tục kéo dài một cách “vô tư” thì đó là “nhân tai” cấp hai và trở thành “đại nhân tai”. Nếu tình hình đó kéo dài năm này sang năm khác thì đó là một sự buông thả (laxism) dẫn đến tình trạng xem tất cả là “không bị trừng phạt” (impunity) để cứ thản nhiên tiếp tục.
Thế nhưng, khi không quản lý tốt, trường hợp “nhân tai“ cấp hai vừa nêu, có hai vấn đề cần đặt ra: năng lực và hiệu quả. Ở Hội nghị quốc tế chống tham nhũng IACC 13, người ta luôn nhắc đến yêu cầu về tính luật pháp (legality) thay vì yêu cầu tính đạo đức (morality). Do lẽ, đạo đức là một cái gì không thể lượng giá được, ngoại trừ vài cảm nhận (perception) vốn mang tính chủ quan. Đánh giá một công chức, một viên chức chính là trên tính hiệu quả công việc của người ấy, bằng không mọi đánh giá đạo đức sẽ bằng thừa và “kịch”. Một nhà dự báo phải dự báo đúng, một nhà phân tích phải phân tích đúng, một nhà quản trị phải quản trị đúng. Tất nhiên luôn có một sai số cho phép. Còn nếu cứ để mặc cho sai sót năm này sang năm khác thì đó là một viên chức bất tài, bất lực và là tai họa cho hệ thống và xã hội.
Tai họa xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau như: đường cứ bị rải đinh, cứ ngập lụt, nhà máy cứ xả nước thải. Hoặc dưới dạng tham nhũng. Tại hội nghị IACC Athens, công thức sau đã được nhắc lại như là một quy luật phổ quát: C=M+D-A.
Trong đó C là Corruption: tham nhũng.
M là Monopoly: độc quyền.
D là Discretion: che chắn kín như bưng.
A là Accountability: trách nhiệm giải trình.
Tham nhũng xảy ra khi cá nhân ấy là không thể thay thế được trong vị trí quyền lực ấy, song cá nhân ấy vẫn cứ yên vị nhờ được che chắn tốt do chẳng phải chịu trách nhiệm trước ai cả. Ở hội nghị, không ít đại biểu các nước châu Phi đã trịnh trọng khoe thành tích buộc các cơ quan nhà nước và cả công ty tư nhân có liên quan đến lợi ích xã hội giải trình về chi thu hằng năm. Từ nguyên chữ giải trình, tiếng Anh accountability, là động từ count là đếm. Có nghĩa khi anh chi bao nhiêu, thu bao nhiêu, anh phải đếm cho dân chúng thấy. Và đó chính là đạo đức.
Xem thêm: C = M + D - A Tuổi trẻ.
Cứu chứng khoán - Cứu ai? (02/11/2010) NGƯỜI NGHÈO CŨNG KHÓC (02/11/2010) QUỸ VĨNH VIỄN ALASKA (02/11/2010) Tổ buôn lậu lúa gạo của bí thư thành ủy (02/11/2010) KINH TẾ TRI THỨC (31/10/2010) SỰ NGHÈO KHÓ Ở HOA KỲ (30/10/2010) Tài sản công (30/10/2010) Nền kinh tế cảm xúc (30/10/2010) Quyền lợi đích thực (30/10/2010) CHIẾN LƯỢC NHÂN TÀI (30/10/2010)