Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Suy dinh dưỡng thể teo đét

Nguyên nhân, thể teo đét và điều trị của bệnh suy dinh dưỡng

I. Nguyên nhân:

Suy dinh dưỡng xảy ra khi có sự mất cân đối giữa cung cấp so với nhu cầu về các chất dinh dưỡng.

Tình trạng làm giảm cung cấp các chất dinh dưỡng

1. Thiếu kiến thức nuôi con:

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất.

- Trên 60% các bà mẹ không biết nuôi con theo khoa học.

- Thay thế sữa mẹ bằng sữa bò hoặc nước cháo (mẹ không đủ sữa hoặc không có sữa) ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.

- Không biết cho trẻ ăn dặm hợp lý, không biết cách tăng năng lượng trong khẩu phần ăn.

- Không biết lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng và rẻ tiền.

- Cho ăn quá ít lần.

- Không biết cách giữ gìn nguồn sữa mẹ.

- Kiêng ăn quá đáng, nhất là khi trẻ bị bệnh.

2. Thiếu thực phẩm:

- Thu nhập thấp.

- Xa chợ, thiên tai.

- Gia đình đông con.

3. Nguyên nhân khác:

- Mẹ thiếu dinh dưỡng trước hoặc trong thai kỳ.

- Cha mẹ thiếu thời gian chăm sóc.

4. Nhiễm trùng và ký sinh trùng:

- Trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường kém vệ sinh.

- Trẻ không được chủng ngừa đầy đủ theo lịch.

5. Nguyên nhân thứ phát:

- Các tình trạng làm tăng nhu cầu: nhiễm trùng, chấn thương, ung thư.

- Tăng mất năng lượng: bệnh lý kém hấp thu, sốt.

- Giảm lượng ăn vào: chán ăn, ung thư.

- Các dị tật bẩm sinh: hệ tiêu hoá, tim mạch, thần kinh, bệnh NST

Trên thực tế đối với mỗi đứa trẻ các tình trạng trên thường phối hợp với nhau.

II. Thể teo đét:

Còn được gọi là Marasmus, ở thể này trẻ bị SDD do đói thật sự, trẻ thiếu tất cả các chất đạm, glucid, chất béo,… ở mức độ trầm trọng. Năng lượng hầu như không còn, vì vậy để sống trẻ phải huy động tất cả các chất dự trữ: glucid, chất béo, và sau cùng là chất đạm. Biểu hiện lâm sàng của thể này là trẻ mất hết lớp mỡ dưới da ở toàn thân.

Ở Việt Nam, dân gian thường gọi thể teo đét này là ban khỉ vì trẻ có vẻ mặt gầy, mắt trũng, hốc hác, người teo nhỏ như con khỉ. Các bắp thịt cũng teo nhỏ, nhão và mất hẳn, bụng chướng, mông teo và tứ chi khẳng khiu toàn thân chỉ còn da bọc xương.

1. Nguyên nhân:

- Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, phải uống nước cháo loãng hoặc bột loãng thay sữa, loãng đến mức chỉ còn nước và có rất ít glucid.

- Trẻ bú sữa mẹ nhưng từ tháng thứ 4 trở đi, mẹ không cho ăn thêm: bột, rau xanh, trái cây, chất béo và chất đạm. Hoặc có trường hợp trẻ được bú sữa mẹ, được ăn dặm thêm các chất khác nhưng thiếu chất béo là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng.

+ Trẻ mắc các bệnh như sởi, tiêu chảy,… mà mẹ bắt trẻ kiêng ăn.

+ Trẻ bị sốt kéo dài, tiêu hao nhiều năng lượng.

2. Lâm sàng:

- Các triệu chứng thiếu vitamin A, B1, B12, D, K… ở mức độ nhẹ hơn thể phù.

- Thể teo đét không có triệu chứng gan to do thoái hoá mỡ do đó chức năng gan ít bị ảnh hưởng.

- Tim: trẻ ít bị đe doạ suy tim do mức độ thiếu đạm, thiếu máu, thiếu K+ và thiếu B1 nhẹ hơn thể phù.

- Ruột: niêm mạc ruột ít bị tổn thương nặng nên trẻ ít bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá.

Ở thể teo đét này, điều chỉnh chế độ ăn kịp thời, giải quyết được nguyên nhân trẻ sẽ nhanh chóng phục hồi. Tiên lượng trước mắt của thể này tốt hơn thể phù.

III. Điều trị:

1. Thể nhẹ và vừa không có biến chứng:

Trẻ cần được điều trị tại nhà bằng cách:

- Điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với nhu cầu của trẻ.

- Chăm sóc trẻ bằng chính tình thương của cha mẹ: động viên, khuyến khích, ép cho trẻ ăn cũng là một biện pháp tốt trong điều trị.

2. Điều trị thể vừa kèm biến chứng và thể nặng:

Cần cho trẻ nhập viện để điều trị theo phác đồ cấp cứu suy dinh dưỡng nặng của Tổ chức Y tế Thế giới:

- Đánh giá, điều trị mất nước và rối loạn điện giải.

- Chẩn đoán sớm và điều trị nhiễm trùng, ký sinh trùng.

- Nếu trẻ sống ở vùng sốt rét nặng, cho uống phòng bằng Chloroquin.

- Cho uống vitamin A liều tấn công.

- Điều trị thiếu máu dựa vào chỉ số Hemoglobin.

- Cho trẻ uống:

+ Potassium: KCl 1 g/ngày x 7 ngày.

+ Magnesium: Mg 0,5 g/ngày x 7 ngày.

- Cho uống acid folic 5 mg/ngày x 7 ngày nhất là trong các trường hợp có huyết tán hoặc mất máu.

- Uống đa sinh tố.

- Cho trẻ ăn càng sớm càng tốt bằng sữa giàu năng lượng kết hợp với chế độ ăn dặm theo tuổi.

- Điều trị biến chứng: hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, hạ canxi huyết, suy tim.

- Chăm sóc trẻ bằng chính tình thương của cha mẹ: ủ ấm, cho bú, ép ăn.

- Khi trẻ xuất viện cần giáo dục kiến thức dinh dưỡng, cách chế biến thức ăn cho các bà mẹ, hướng dẫn mẹ cách theo dõi biểu đồ cân nặng của trẻ và hẹn trẻ tái khám để theo dõi sức khoẻ trẻ tối thiểu trong 12 tháng.

- Phòng bệnh: SDD kìm hãm sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ em, giảm sức khoẻ và sức lao động của con người. SDD càng sớm càng nặng càng để lại di chứng nặng nề, điều trị SDD tốn kém và mất nhiều công sức. Do đó cần phối hợp nhiều biện pháp để phòng chống:

+ Phòng SDD bào thai.

+ Nuôi con bằng sữa mẹ.

+ Các biện pháp khác: sinh đẻ kế hoạch, vệ sinh môi trường, nước sạch.

- Giáo dục cho bà mẹ và nười nuôi dưỡng trẻ về tác hại của bệnh suy dinh dưỡng.

+ Giáo dục nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ.

+ Phát hiện sớm bệnh SDD và điều trị sớm.

+ Điều trị một số biến chứng và phục hồi di chứng nếu có.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 07/07/2011