Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Tám nghìn đêm

Một đôi lần, mẹ tôi có kể về căn nhà của ông ngoại tôi ở Huế. Căn nhà cổ có mười tám cột gỗ lim, mái lợp ngói âm dương. Trước sân, ông tôi xây một cái bể cạn hình chữ nhật dài mười hai mét để trồng sen.

Những hôm trời mưa, mẹ tôi đứng trong gian trước nhìn xuyên qua những hàng nước rơi song song từ mái ngói, thấy mưa rơi nhạt nhòa trên lá sen và bông sen. Năm hai mươi hai tuổi mẹ tôi chửa hoang, ông bà ngoại tôi cấm mẹ tôi ra vào nhà bằng cổng chính, cấm bước lên nhà trên. Mẹ không còn thời con gái, không còn mơ màng vịn cột gỗ lim, nhìn mưa rơi trên lá sen và bông sen sân trước.

Sen là kỷ niệm duy nhất mẹ tôi mang theo khi ra đi. Không, đó là kỷ niệm duy nhất được nói ra. Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ. Tôi không biết gì về bên ngoại. Tôi không biết gì về tuổi thơ của mẹ tôi.

Tôi không biết gì về cha tôi. Tôi không biết gì về khoảng thời gian giữa ngày mẹ tôi là cô học trò Đồng Khánh đứng trong một gian nhà xưa ở Huế nhìn ra mưa, và ngày mẹ tôi là thiếu phụ một con không hộ khẩu, đẩy chiếc xe đạp bán rau quanh một cái chợ ở quận Ba Đình, Hà Nội.

Mỗi năm một lần, tôi hỏi:

“Sao cha không cưới mẹ? ”.

“Bao giờ con đủ lớn, mẹ sẽ kể”.

Nhưng tôi không bao giờ đủ lớn. Hoặc là sự yên lặng đã trở thành cuộc đời của mẹ và nếu nó mất đi, mẹ không biết sống tiếp tục cuộc đời mình như thế nào.

Mùa xuân trời ấm lại, nhưng mẹ tôi rất yếu và hay ốm. Người mẹ gầy và tóc thưa, đôi bàn tay cằn cỗi, già đi trước gương mặt. Nhiều năm không ngủ vào ban đêm - vì mẹ tôi cất rau sau nửa đêm ở chợ đầu mối - đã làm cho mẹ kiệt sức. Cũng có thể nỗi nhớ nhà làm tàn dần sinh lực. Chúng tôi biết nếu mẹ bỏ chợ, tôi sẽ phải bỏ học. Chúng tôi không muốn nói tới ngày ấy, nhưng nó đã rất gần. Tôi muốn đi học. Tôi không muốn đi bán rau như mẹ tôi cho đến một ngày cuộc đời chưa đi hết nhưng sức đã không còn.

Tôi dậy cùng với mẹ lúc hai giờ rưỡi khuya để ra chợ đêm. Mẹ tôi nói:

“Con đi ngủ, để sáng còn đi học”.

“Sáng con không đi học”.

“Thế không có tiết gì à? ”.

“Con không bao giờ đi học nữa”.

“Con nói gì thế? ”.

“Con đã bỏ học rồi. Bỏ luôn. Con muốn đi chợ. Con muốn bán rau”.

“Con không được nói như vậy. Mẹ vẫn còn khỏe để lo việc mua bán một mình, không cần có con đi theo . Con sẽ tiếp tục đi học đến ngày ra trường. Không có bất cứ thứ gì trên đời có thể làm con bỏ học được. Hiểu chưa? ”.

“Con không muốn đi học nữa. Con muốn đi bán. Mẹ chỉ bảo cho con việc buôn bán xong thì mẹ ở nhà. Bây giờ mẹ còn khỏe để cùng đi chợ với con, chỉ bảo công việc cho con. Để năm sau hay năm sau nữa mẹ không đi được, mà con thì không biết đường biết nước thì sao? ”.

“Con nói gì vậy? Mẹ chưa 50 tuổi. Mới được nửa đời người. Ai nói chuyện nghỉ làm vào tuổi này? ”.

“Mẹ yếu. Mẹ ốm hoài. Mẹ cần nghỉ ngơi, làm một việc nhẹ hơn.”

“Đói thì ăn. Ốm thì uống thuốc. Rồi đâu lại vào đấy thôi”.

“Mẹ và con đều biết là chuyện không phải vậy. Mẹ không đủ sức khỏe để làm cái nghề mẹ đang làm. Con sẽ thay mẹ. Mẹ đừng nhắc đến chuyện đi học nữa”.

Hình như mẹ tôi hơi chao dao như mất thăng bằng. Tôi lấy ghế cho mẹ ngồi, rót cho mẹ ly nước lọc rồi im lặng thay quần áo. Chúng tôi không nói gì trong vài phút sau đó. Rồi mẹ tôi bảo tôi ngồi xuống giường nghe mẹ nói. Mẹ tôi nói nhanh, vì trong đời chỉ có một lần này. Nói thật nhanh, rồi vội vàng trở về với sự im lặng.

“Tất cả mọi chuyện trong đời mẹ đều sai. Mẹ sinh lầm nhà, mang lầm họ. Những người mẹ gặp, những việc mẹ làm, nơi mẹ ở, đường mẹ đi, ngay cả những điều mẹ nghĩ vào ban ngày và những thứ mẹ chiêm bao vào ban đêm, tất cả đều sai. Chỉ có con là đúng. Con đúng thì tất cả cuối cùng cũng đúng. Nếu bây giờ con bỏ học thì chính con cũng là một thứ sai của đời mẹ, và không còn gì đúng. Con phải hứa với mẹ là dù bất cứ chuyện gì con cũng không bỏ học. Nếu con không hứa thì để mẹ chết ngày mai, sau đó con muốn làm gì thì làm”.

Tôi không hứa. Tôi ngồi bệt xuống đất để thở. Tôi chưa hiểu hết những câu đó có nghĩa gì. Tôi cố hiểu, nhưng ý nghĩ của tôi chùng xuống dưới một sức nặng lạ lùng làm rã rời mọi câu chữ. Tôi ngồi nhìn xuống đất, không biết phải nói gì. Một lúc sau tôi ngước lên, nói những điều chính tôi cũng không hiểu hết:

“Nếu cuộc đời sai thì tự nó phải đúng trở lại chứ tại sao chờ con làm cho nó đúng? Mẹ không còn đủ sức khỏe để đi chợ nữa, con sẽ bỏ học để thay mẹ kiếm ăn. Chỉ có điều đó là đúng, mọi thứ khác đều vô nghĩa. Cuộc đời xảy ra trước, rồi đúng sai mới đến sau”.

“Nếu như vậy thì con người lấy gì để định hướng mà đi? ”.

Tôi tiếp tục nhìn mãi xuống đất. Lúc tôi ngước nhìn mẹ, mẹ đã tắt cây đèn nhỏ tự lúc nào, đã đứng dậy và trong bóng tối đang lặng lẽ thay đồ sửa soạn đi chợ. Mẹ muốn tôi đi ngủ, không muốn nghe tôi nói nữa.

Tôi leo lên tấm ván, nằm nghiêng co đầu gối lên bụng, kéo chăn trùm đầu cố ngủ lại. Một lúc sau tôi nghe tiếng mẹ tôi mở cửa đi ra, rồi tiếng cửa đóng lại, tiếng động âm thầm, thân yêu và tội nghiệp hằng đêm trong tám nghìn đêm tôi lớn lên trong căn nhà của mẹ. Bảy giờ tôi dậy mặc áo. Tôi mở tủ hương lấy tiền quà sáng từ xấp tiền của mẹ tôi để dưới quần áo và ôm tập vở đến trường học.

Đoàn Minh Phượng
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 02/11/2010