Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Manh tràng và ruột thừa

Manh tràng và ruột thừa

I. Manh tràng:

Manh tràng nằm ở hố chậu phải, hình chiếu của nó lên bề mặt chiếm 1 vùng hình tam giác nằm giữa các mặt phẳng bên phải, gian củ và dây chằng bẹn. Manh tràng như một túi cùng rộng liên tiếp ở trên với đại tràng lên ở ngang mức lỗ hồi tràng và ở dưới với ruột thừa.

Manh tràng cao khoảng 6 cm, rộng ngang khoảng 7,5 cm; nằm trên nửa ngoài của dây chằng bẹn.

- Mặt sau manh tràng tựa trên cơ chậu (thần kinh bì đùi ngoài nằm xen giữa manh tràng và cơ chậu) và cơ thắt lưng lớn bên phải, được ngăn cách với cả 2 cơ bởi mạc và phúc mạc. Ở sau manh tràng là ngách sau manh tràng, nơi mà ruột thừa thường nằm.

- Ở phía trước, manh tràng tiếp xúc với thành bụng trước, nhưng mạc nối lớn và một số quai ruột non có thể xen giữa. Manh tràng thường được phúc mạc phủ và được nối với hố chậu bởi mô liên kết lỏng lẻo. Có 2 hoặc nhiều nếp phúc mạc (nếp sau manh tràng) nối mặt sau của nó với phúc mạc thành.

II. Van hồi manh tràng:

Hồi tràng mở vào mặt sau trong của ruột già tại một lỗ nằm ở nơi gặp nhau của manh tràng và đại tràng lên. Lỗ này gọi là lỗ hồi tràng, chiếu lên bề mặt tại điểm giao nhau của các mặt phẳng bên phải và gian củ, ở khoảng 2 cm dưới điểm này là chỗ ruột thừa đổ vào manh tràng.

Lỗ hồi tràng nằm trong 1 nhú, gọi là nhú hồi tràng, hay van hồi manh tràng. Nhú này bao gồm 2 môi hình bán nguyệt. Môi trên hay môi hồi đại tràng, bám vào chỗ nối hồi tràng và đại tràng lên. Môi dưới hay môi hồi manh tràng, bám vào chỗ nối hồi tràng và manh tràng. Hai đầu của lỗ hồi tràng liên tiếp với các nếp niêm mạc gọi là hãm lỗ hồi tràng.

III. Ruột thừa:

Ruột thừa là 1 ống hẹp hình con giun, tách ra từ thành sau trong của manh tràng, dưới đầu tận cùng của hồi tràng khoảng 2  cm. Nó có thể nằm ở một trong số nhiều vị trí sau.

- Sau manh tràng và phần dưới đại tràng lên.

- Nằm trong tiểu khung, ở nữ có thể nằm sát vòi trứng và buồng trứng phải.

- Nằm dưới manh tràng.

- Nằm trước hoặc sau đoạn tận của hồi tràng.

Chiếu lên thành bụng, mốc bề mặt của ruột thừa là điểm nối 1/3 ngoài và 1/3 giữa của đường nối gai chậu trước trên bên phải tới rốn. 3 dải cơ dọc của đại tràng lên và manh tràng hội tụ tại gốc ruột thừa, đây là mốc để tìm ruột thừa trong phẫu thuật cắt ruột thừa do viêm.

Chiều dài ruột thừa biến đổi từ 2 – 20 cm, trung bình là 9 cm. Ruột thừa dài hơn ở trẻ em và có thể teo hoặc giảm chiều dài sau tuổi trung niên. Ruột thừa nối với mạc treo hồi tràng bằng 1 mạc treo ruột thừa ngắn, nếp phúc mạc này thường có hình tam giác chạy suốt dọc ruột thừa đến tận đỉnh của nó.

Động mạch ruột thừa là 1 nhánh của động mạch hồi đại tràng, chạy sau hồi tràng để đi vào mạc treo ruột thừa ở cách nền của nó một đoạn ngắn. Động mạch đi đến đỉnh ruột thừa dọc theo bờ tự do của mạc treo. Các động mạch ruột thừa phụ có mặt trên 80% trường hợp.

Lòng ruột thừa thì nhỏ và được mở vào manh tràng bằng 1 lỗ nhỏ gọi là lỗ ruột thừa, lỗ nằm ở dưới và hơi sau lỗ hồi tràng. Lớp dưới niêm mạc của ruột thừa chứa nhiều nang bạch huyết chùm, làm cho niêm mạc ruột thừa lồi vào lòng ruột thừa.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 09/07/2011