Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Giải thích ca từ nhạc Trịnh: Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ

Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ
Đây là một bài hát, một bài thơ thuộc dạng nổi tiếng nhất của TCS, mà đảm bảo từ cái tựa đề bài hát thôi là đã làm người nghe thấy mông lung, chóng mặt rồi. Sao tự nhiên đêm thấy ta là thác đổ? Nghe có vẻ siêu nhiên kỳ bí quá. Có một vị đã thiền lâu năm đã thốt lên: “TCS phải là sư tổ môn thiền học mới ‘đạt’ được cái trạng thái ‘thác đổ’ này”. Những ai theo thiền môn lâu năm đều biết, mỗi khi thiền xong, khi mở mắt ra là nghe thấy trong đầu còn có “âm vang như có tiếng thác đổ”. Thành ra “Nhiều đêm thấy ta là thác đổ” cũng là thật chứ không phải là chuyện siêu nhiên kỳ bí gì cả. Khi tỉnh ra, thì “vẫn như còn nghe”.
6. Một Cõi Đi Về
“Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi”… Câu hát này sử dụng từ ngữ rất… TCS. Nhiều ca sĩ trẻ không biết “con tinh yêu thương” là gì, nên tự ý đổi lại thành “con tim yêu thương” cho nó thơ mộng. Sinh thời, TCS đã rất nhiều lần giải thích cái hay, cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh” trong bài này. Theo ông, các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”. Cái “con tinh” đó đã đi vào văn học và đi qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát mà ông yêu thích nhất, nhưng đa số ca sĩ lại hát là “con tim”, làm cho câu hát không còn gì đặc biệt.
7. Chiều Một Mình Qua Phố
“Có khi nắng khuya chưa lên/ Mà một loài hoa chợt tím”…Ông Trịnh này lạ thật, đêm khuya thì làm gì có nắng, nên có 1 số ca sĩ đã đổi lại thành “có khi nắng mưa chưa lên” cho hợp lý, làm cho câu hát nghe rất khiên cưỡng và buồn cười. Thật ra đó là một sự ẩn dụ tinh tế của nhạc sĩ. Bài hát có bối cảnh buổi chiều, đường phố chưa lên đèn. Nhạc sĩ ví von đèn đường là một loại “nắng khuya”. Ý nghĩa của hai câu này là mới có buổi chiều, trời chưa tối, đường chưa lên đèn, mà loài hoa quỳnh tím ban đêm đã nở sớm rồi. TCS có lẽ bị ám ảnh bởi loài hoa đêm này, nên có hẳn hai bài hát dành cho loài hoa quỳnh là bài Quỳnh Hương và Chuyện Đóa Quỳnh Hương.
8. Mưa Hồng
“Em đi về cầu mưa ướt áo/ Đường phượng bay mù không lối vào”. Hai câu hát nổi tiếng này thật ra không có chứa đựng câu chữ nào là đánh đố hay khó hiểu. Nhưng nếu giải thích rõ ràng câu hát này ra thì sẽ có nhiều điều thú vị đằng sau đó. Bài hát này được TCS viết tặng cô Dao Ánh, với bối cảnh ở Huế. Mưa ở Huế thì buồn lắm, có nhiều bài hát đã nói lên nỗi buồn của cơn mưa xứ Huế rồi. Những ai sống ở đất cố đô đều biết con “đường phượng bay” nổi tiếng trong Thành Nội với hai bên trồng toàn cây phượng vĩ. Còn câu hát: “Em đi về cầu mưa ướt áo”, nếu ghi rõ nghĩa hơn thì sẽ là: em đi về, cầu cho mưa ướt áo em. Một người con gái đi ngoài mưa mù mịt, mưa rơi ướt sũng áo mỏng, lớp áo dán sát vào cơ thể.
Không cần nói thì ai cũng biết hình ảnh đó gợi cảm biết nhường nào. Vấn đề ở đây là “ai cầu cho mưa ướt áo em?”. Hẳn nhiều người sẽ cho rằng chắc chắn đó là “anh”, để anh còn có dịp nhìn nữa chứ. Tuy nhiên, cũng trong một buổi tiệc có mặt bà Đặng Tuyết Mai và TCS (đã nhắc đến bên trên), thì bà Mai đã đưa ra ý kiến của bà như sau: “Riêng tôi (bà Tuyết Mai phu nhân của Ng Cao Kỳ) thì cho rằng chính cô gái mới là người cầu mong cho mình bị mưa ướt, bởi lẽ người xứ Huế rất coi trọng gia phong lễ nghĩa, nhất là trong cách ăn mặc - lúc nào cũng phải thật kín đáo, không bao giờ dám để lộ thân thể dù chỉ là một chút xíu.
Cô gái trong bài hát tự biết mình có hình dáng đẹp, muốn khoe nhưng không biết làm cách nào nên chỉ dám cầu mưa cho mình bị ướt áo để khoe vẻ đẹp cơ thể một cách tự nhiên mà vẫn giữ được sự ngượng ngùng, e ấp… Khi nghe tôi giải thích như thế, nhạc sĩ TCS đã đứng dậy, với tay qua bàn tiệc bắt tay tôi kèm theo một nụ cười mãn nguyện”. 

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 05/07/2024