Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Viêm phổi

Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, điều trị và phòng bệnh viêm phổi

I. Lâm sàng:

Viêm phổi trẻ em thường diễn tiến qua 2 giai đoạn. Tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh, lứa tuổi, bệnh cảnh lâm sàng có những đặc điểm khác nhau. Mô tả 1 trường hợp viêm phổi do vi trùng.

1. Giai đoạn khởi phát:

- Triệu chứng viêm đường hô hấp trên: sốt nhẹ, ho, đau họng, nhức đầu.

- Một số trường hợp trẻ sốt cao kèm theo rối loạn tiêu hoá như chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu lỏng, chướng bụng… (thường gặp ở trẻ nhỏ).

- Có thể gặp trẻ kích thích, bứt rứt, quấy khóc.

- Triệu chứng thực thể tại phổi chưa phát hiện.

2. Giai đoạn toàn phát:

Biểu hiện đầy đủ các triệu chứng cơ năng và thực thể của viêm phổi:

- Sốt vừa hoặc sốt cao tuỳ nguyên nhân gây bệnh, đôi khi hạ thân nhiệt.

- Mệt mỏi, quấy khóc, nhức đầu, ớn lạnh.

- Rối loạn tiêu hoá như: nôn, tiêu chảy, chướng bụng, đau bụng.

- Các dấu hiệu và triệu chứng tại hô hấp:

+ Ho: ho khan hoặc ho có đàm, có thể không ho ở trẻ nhỏ.

+ Khó thở, thở nhanh, co kéo các cơ hô hấp phụ.

+ Cánh mũi phập phồng, rên rỉ, tím tái.

- Khám phổi:

+ Nghe: ran nổ, ran ẩm nhỏ hạt 1 hoặc 2 bên phổi. Trẻ nhỏ có thể nghe được ran ngáy, ran rít.

+ Gõ: giai đoạn đầu ứ khí gõ trong, về sau độ trong giảm. Nếu có xẹp phổi, gõ đục vùng phổi bị xẹp.

II. Cận lâm sàng:

1. Xét nghiệm máu:

- Công thức máu: BC tăng, chủ yếu đa nhân trung tính, nghĩ nhiều nguyên nhân do vi khuẩn. Trường hợp hợp nhiễm khuẩn nặng, BC có thể giảm. BC trong giới hạn bình thường hoặc tăng nhẹ, gợi ý nguyên nhân do virus.

- CRP (Creactive protein) là dấu hiệu chỉ điểm của tình trạng viêm. CRP tăng > 20 mg/L gợi ý do vi khuẩn.

- Cấy máu: là phương pháp đặc hiệu giúp xác định tác nhân gây bệnh.

* (+) ở 3 – 11% ở bệnh nhi cấp cứu viêm phổi.

* (+) ở 25 – 95% viêm phổi do phế cầu hoặc Haemophilus influenzae type B.

* (+) ở 1/3 trẻ viêm phổi do tụ cầu nguyên phát, 89% trẻ bệnh toàn thân.

2. X quang phổi:

Giúp xác định chẩn đoán, góp phần chẩn đoán nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh. Tổn thương thường gặp:

+ Rốn phổi đậm do phì đại hạch rốn phổi

+ Tăng sinh tuần hoàn phổi ra 1/3 ngoài phế trường.

+ Thâm nhiễm lan ra ngoại biên cả 2 phế trường.

3. Xét nghiệm dịch khí quản:

Dịch khí quản đúng chuẩn khi chứa > 25 bạch cầu đa nhân và < 10 tế bào lát trong 1 quang trường.

Xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh: nhuộm gram và soi dưới kính hiển vi.

Cấy và làm kháng sinh đồ.

III. Điều trị:

Nguyên tắc:

- Điều trị suy hô hấp.

- Chống nhiễm trùng.

- Điều trị các rối loạn đi kèm.

- Điều trị các biến chứng.

1. Điều trị suy hô hấp:

Tuỳ theo mức độ suy hô hấp.

2. Chống nhiễm trùng:

Lý tưởng nhất là lựa chọn kháng sinh theo tác nhân gây bệnh.

- Phế cầu nhạy với Penicillin: Penicillin, Ampicillin, Amoxicillin. Hoặc Cefuroxim, Ceftriaxone,Azithromycin.

- Phế cầu kháng với Penicillin: Cephalosporin thế hệ thứ 2, 3; Vancomycin.

- Tụ cầu: Vancomycin.

- H.influenzae: Amoxicillin Clavulanate, Cefuroxime, Ceftriaxone, Cephalosporin thế hệ 2, 3.

- Mycoplasma pneumoniae: Erythromycin, Clarithromycin, Azithromycin.

- Moraxella catarrhalis: Amoxicillin-Clavulanate, Cefuroxime.

Thực tế chọn kháng sinh dựa theo tuổi và tình trạng lâm sàng:

- Sơ sinh: Ampicillin + Cefotaxim hoặc với Aminoside, có thể kèm theo kháng sinh kháng tụ cầu nếu nghi ngờ nhiễm tụ cầu.

- Từ 1 tháng đến 3 tháng: Cefuroxim hoặc Cefotaxim hoặc Ceftriaxon kết hợp với Nafcillin hoặc Oxacillin.

- Từ 3 tháng đến 12 tháng: Cefuroxim hoặc Ceftriaxon kết hợp với Erythromycin hoặc Clarithyromycin.

- Từ 2 tuổi đến 5 tuổi: Cefuroxim hoặc Ceftriaxon kết hợp với Erythromycin hoặc Clarithromycin hoặc Azithromycin.

3. Điều trị các rối loạn đi kèm

Hạ sốt, dãn phế quản khi có khò khè, giả ho, bù dịch và điện giải.

4. Điều trị các biến chứng

Viêm mủ màng phổi, rối loạn chức năng thăng bằng kiềm toan, suy tim.

IV. Phòng bệnh:

- Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ khi có thai, khám thai định kỳ.

- Bảo đảm vệ sinh môi trường.

- Trẻ phải được nuôi dưỡng đúng.

- Tiêm chủng đúng theo lịch.

- Phát hiện và xử trí kịp thời các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.

- Cách ly kịp thời người mắc bệnh để tránh lây lan cho trẻ.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 07/07/2011

Số lượt truy cập
11.009.260
453 người đang xem