Nguyên nhân và xử trí co giật
I. Nguyên nhân:
1. Các bệnh tổn thương thực thể hệ thần kinh
- Nhiễm khuẩn hệ thần kinh: viêm não, viêm màng não, áp xe não…
- Chấn thương sọ não: cơn co giật có thể xảy ra ngay hoặc sau vài năm.
- Sang chấn sản khoa: sang chấn sản khoa và thiếu oxy não chiếm 70% các nguyên nhân gây co giật ở trẻ sơ sinh (15% co giật ở lứa tuổi này không tìm được nguyên nhân)
- Khối choán chổ nội sọ: u não, ổ tụ máu…
- Tắc mạch máu não: có thể gặp trong bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, tím bẩm sinh, nhồi máu não…
- Bệnh thoái hoá chất trắng, chất xám; loạn sản thần kinh ngoại bì như hội chứng Sturge Weber, xơ cứng củ não…
- Khuyết tật bẩm sinh: mẹ bị nhiễm siêu vi 4 tháng đầu, thiếu oxy não thai,…
2. Các bệnh rối loạn chuyển hoá:
- Bệnh GM2 gangliosidosis (Tay-Sachs): sa sút thần kinh (trí tuệ), mất thị giác, chậm phát triển từ 3 tháng kèo theo co giật.
- Hội chứng Rett: mới sinh, trẻ bình thường, từ 6 tháng trở đi, đầu trẻ nhỏ, không phát triển tinh thần – vận động và co giật.
- Bệnh phenylceton niệu: di truyền lặn, do thiếu men phenylalamin 4 – hydroxylase, chàm da, chậm phát triển tinh thần và co giật cục bộ.
- Hạ calci máu, magne máu: thiểu năng cận giáp, còi xương…
- Hạ đường huyết: tiểu đường, sốt cao, vận động gắng sức, dùng thuốc…
- Hạ / tăng natri máu: tiêu chảy, nôn ói, cung cấp quá nhiều nước mà chức năng thận bị suy, bù nước mà không bù điện giải…
- Thiếu vitamin B6, Ngộ độc: camphor, strychnine,…
3. Bệnh não do cao huyết áp:
- Viêm cầu thận cấp, u tế bào ưa chrome, hẹp eo động mạch chủ, dị dạng động mạch thận gây cao huyết áp.
- Cao huyết áp gây co giật, và thường kèm theo nhức đầu, nôn ói, hoa mắt, chóng mặt… được gọi là nhóm bệnh não do cao huyết áp.
4. Sốt cao:
- Co giật do sốt cao là những cơn toàn bộ xảy ra trong quá trình một bệnh cấp tính có sốt.
- Co giật do sốt cao là thể co giật hay gặp ở trẻ em và có 3 dạng lâm sàng cơ bản:
+ Co giật lành tính do sốt cao (sốt cao co giật đơn thuần)
+ Co giật do sốt cao phức tạp
+ Trạng thái động kinh do sốt.
- Sốt cao gây co giật đơn thuần ở trẻ em có đặc điểm: co giật lan toả thường là giật cơ, cơn không điển hình và cơn kéo dài ngắn.
- Trạng thái động kinh do sốt: co giật kéo dài ≥ 30 phút, hoặc từng đợt lặp lại liên tiếp à ảnh hưởng đến tri giác (hoại tử não) và tính mạng BN.
5. Động kinh
- Động kinh là hậu quả của những bệnh lý/rối loạn nêu trên hoặc bệnh tự phát có căn nguyên ẩn (động kinh vô căn).
- Cơn động kinh chỉ là cơn đơn thuần, còn bệnh động kinh là tập hợp các cơn động kinh với các đặc tính sau: các cơn có tính định hình lặp lại nhiều lần, cơn xảy ra đột ngột và ngắn, rối loạn các chức năng thần kinh trong cơn. Trên điện não đồ phát hiện các đợt sóng kịch phát.
II. Xử trí co giật
1. Co giật do sốt cao:
- Cần phải đặt ở tư thế dễ chịu, thoải mái để cho đường hô hấp thông thoáng, tránh những tư thế bất thường.
- Mặc quần áo mỏng, thoáng hoặc cởi hết quần áo.
- Theo dõi nhiệt độ ở nách, trán hay ở tai (tuỳ thuộc vào dụng cụ đo nhiệt)
- Lau ấm tích cực: đắp khăn ấm với nước ấm 36 – 370C lên 2 nách, 2 bẹn: khăn thứ 5 lau ở trán; thường xuyên thay đổi khăn để việc giải nhiệt được nhanh hơn. Tránh dùng nước đá lạnh vì sẽ gây co mạch làm chậm quá trình thải nhiệt; tránh dùng rượu hoặc dấm vì có thể ngấm qua da.
- Hạ nhiệt bằng thuốc như paracetamol 15 – 20 mg/kg/liều, nhét hậu môn, có thể lặp lại sau 4 giờ (không dùng aspirin vì có thể gây hội chứng Reye đối với những trẻ bị nhiễm virus influenzae hoặc varicella).
- Điều trị nguyên nhân gây sốt.
2. Co giật do hạ đường huyết
- Tiêm mạch chậm glucose 30% (10% đối với trẻ sơ sinh) 2ml/kg TMC, sau đó duy trì bằng glucose 10% 3 – 5 ml/kg/giờ.
- Tìm nguyên nhân gây hạ đường huyết để xử trí tiếp.
3. Co giật do hạ natri máu hoặc hạ canxi máu:
- Nếu co giật do hạ natri máu, thì cho truyền NaCl 3% 6 – 10 ml/kg/giờ, sau đó thử lại ion đồ để có hướng xử trí tiếp.
- Nếu co giật do hạ canxi máu (canxi toàn phần < 1,8 mEq/L) thì cho calcium gluconate 10% 0,5 – 1 mg/kg/liều hoặc calcium chloride 10% 0,1 – 0,2 ml/kg/liều truyền tĩnh mạch thật chậm trong 15 phút.
- Tìm nguyên nhân gây hạ natri hoặc hạ canxi máu để xử trí tiếp.
4. Động kinh:
- Lựa chọn thuốc: lựa chọn thuốc điều trị động kinh phải phù hợp với thể lâm sàng nhằm tối ưu hoá điều trị bằng cách chọn liều thích hợp với từng bệnh nhi.
+ Bắt đầu bằng 1 loại thuốc (đơn trị liệu): rẻ, dễ mua, ít tác dụng phụ.
+ Dùng hằng ngày đúng và đủ liều qui định.
+ Liều thấp tăng dần để đạt liều lượng tối ưu đáp ứng lâm sàng: liều thấp nhất mà hiệu quả cao nhất.
* Phenobarbital 2 – 5 mg/kg/ngày, chia 1 – 2 lần.
* Vaproate sodium (Depakine) 20 – 40 mg/kg/ngày, chia 1 – 2 lần.
* Carbamazepin (Tegretol) 15 – 30 mg/kg/ngày, chia 2 – 4 lần.
* Ethosuximid 15 – 25 mg/kg/ngày, chia 1 – 2 lần.
- Đánh giá và theo dõi:
+ Nếu BN ổn định: giữ nguyên liều lượng thuốc đã chọn, tái khám sau 1 – 2 tuần để theo dõi tác dụng phụ của thuốc và tái khám 1 – 3 tháng.
+ Nếu còn tái phát cơn: tăng liều thêm 30% sau mỗi tuần cho đến khi ổn định hoặc đến khi liều tối đa.
+ Nếu thất bại với một loại thuốc (liều tối đa mà chưa kiểm soát được co giật) thì thay thế bằng 1 thuốc khác với liều thấp nhất, đồng thời hạ dần liều thuốc đã sử dụng không hiệu quả mỗi tuần 25 – 30% cho đến hết, sau đó chỉnh liều thuốc mới theo diễn tiến lâm sàng.
+ Tái khám mỗi tuần/tháng đầu, mỗi tháng/3 tháng kế tiếp, sau đó mỗi 3 – 6 tháng.
+ Nên phối hợp với điều trị phục hồi tâm thần, vận động cho trẻ.
5. Co giật tăng áp lực nội sọ:
Đặt trẻ nằm tư thế đầu cao, 300 và thẳng trục giúp máu về tim dễ dàng nhất. Tăng thông khí để duy trì PaCO2 28 – 34 mmHg giúp làm giảm lượng máu lên não.
- Mannitol 20% 0,25 – 0,5 g/kg/lần truyền TM trong 15 – 30 phút.
- Dexamethasone 0,5 mg/kg/6 giờ nếu nghi ngờ sang thương choán chổ như u não.
- Hạn chế dịch khoảng ½ - 2/3 nhu cầu cơ bản, tránh kích thích bên ngoài.
Xử trí ngộ độc cấp ở trẻ em (07/07/2011)