Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Xử trí ngộ độc cấp ở trẻ em

Xử trí ngộ độc cấp ở trẻ em

I. Tại hiện trường (nơi phát hiện ngộ độc)

1. Tiếp cận:

Nguyên tắc tiếp cận là phải “an toàn” (SAFE) an toàn cho người cấp cứu và người được cấp cứu, sau đó là tiến hành hồi sức cấp cứu cơ bản đối với những trường hợp nặng (thông đường thở, hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực…).

- Trường hợp hít phải chất độc, lập tức đưa bệnh nhi ra chỗ thoáng khí, mở rộng cửa…

- Nếu độc chất tiếp xúc da: cởi bỏ hết quần áo đã dính độc chất, dội rửa nhiều nước trên da, tóc trong 10 phút, sau đó rửa bằng xà phòng và nước. Chú ý không chà xát da.

- Nếu độc chất vào mắt: rửa nhiều nước (nước ấm, nước muối sinh lý) bằng ly lớn cách mắt từ 5 – 10 cm, lặp lại 15 phút sau. Trong khi rửa mắt, nháy mắt càng nhiều càng tốt, không nên cố gắng làm mở mi mắt.

- Trường hợp uống chất độc: nếu là thuốc thì không cho bất kỳ chất nào vào miệng trẻ cho đến khi gọi trợ giúp y tế; nếu là chất hoá học, chất tẩy (ăn mòn) cần phải cho sữa hay nước uống ngay (trừ trường hợp trẻ đã rối loạn tri giác, co giật hay mất phản xạ nuốt) rồi gọi giúp đỡ y tế để nhận được lời khuyên có nên gây nôn ói cho trẻ hay không?

2. Quyết định khi nào cho vào bệnh viện:

Phải quyết định khi nào nên đưa bệnh nhi vào bệnh viện. Cần xem xét đưa trẻ vào bệnh viện đối với trường hợp sau:

- Những trường hợp ngộ độc nặng (co giật, rối loạn: tri giác, nhịp tim, nhịp thở).

- Tất cả những trường hợp cần phải đánh giá và điều trị.

- Tất cả những trường hợp ngộ độc mà nguyên nhân chưa xác định.

II. Xử trí tại bệnh viện:

Tại bệnh viện, cần tiến hành hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao (chống sốc, chống suy hô hấp, chống co giật, cấp cứu ngưng tim – ngưng thở) để giúp bệnh nhi ổn định. Sau đó mới cân nhắc đến thực hiện 4 nguyên tắc xử trí ngộ độc, chủ yếu ngộ độc qua đường tiêu hoá như:

- Loại  bỏ chất độc.

- Trung hoà hoặc hấp phụ độc chất.

- Tăng thải độc ra khỏi cơ thể.

- Dùng chất đối kháng.

1. Loại bỏ chất độc:

Tuỳ theo đường ngộ độc mà chúng ta có những phương thức loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể (xem phần sử trí tại hiện trường). Ở đây xin trình bày loại bỏ chất độc khi ngộ độc qua đường uống.

- Gây nôn:

+ Có thể dùng chất gây nôn như siro Ipecac:

* 1 ml/kg cho trẻ dưới 1 tuổi.

* 15 – 20 ml cho trẻ 1 – 12 tuổi.

* 30 ml cho trẻ trên 12 tuổi.

+ Hoặc dùng Ampomorphin 0,1 mg/kg tiêm dưới da, ngày nay càng ít dùng vì nhiều tác dụng phụ và gây ngộ độc (ói, nấc cục, rối loạn hô hấp, xử trí giống như ngộ độc morphine).

+ Hoặc gây nôn bằng phản xạ.

- Rửa dạ dày:

+ Chỉ định: ngộ độc đường uống trong vòng 4 – 6 giờ.

+ Chống chỉ định: chất gây co giật (camphor, strychnine), chất gây ngủ, gây hôn mê (thuốc ngủ, gây  nghiện, chloralhydrate), chất ăn mòn (acid, thuốc tẩy, betadine), chất bay hơi (xăng, dầu  hôi, dầu thông).

+ Tiến hành: đặt BN ở tư thế  an toàn (đặt nội khí quản có bóng chèn chống hít sặc nếu cần), dùng ống thông có nhiều lỗ ở đầu, đặt ống thông từ mũi/miệng đến dạ dày, bơm 10 – 15 ml nước muối sinh lý/kg cho mỗi chu kỳ rửa (dùng sulfate đồng nếu ngộ độc phosphore kẽm), rửa cho đến khi nước trong và không mùi.

+ Biến chứng: hít sặc, tràn khí màng phổi, thủng thực quản, chảy máu và rối loạn nước – điện giải.

2. Trung hoà / hấp phụ độc chất:

- Thường dùng than hoạt tính.

- Liều tấn công 1g/kg pha với nước tỉ lệ 1:4; uống hay bơm qua sonde dạ dày ngay sau rửa dạ dày.

- Liều tăng lên khi ngộ độc kim loại nặng (chì, lithium), thuốc diệt côn trùng, acid boric, cyanide, sulfate sắt.

- Liều duy trì: phân nửa liều tấn công, dùng mỗi 4 – 6 giờ cho đến khi đi tiêu phân đen hoặc dùng trong 24 giờ.

3. Tăng thải chất độc ra khỏi cơ thể

a) Qua đường tiêu hoá:

Tăng thải qua đường tiêu hoá bằng cách làm tăng nhu động ruột bằng các thuốc nhuận trường (magne sulfate, magne citrate, sorbitol, bisacodyl, manitol).

b) Qua đường tiết niệu:

Tăng thải qua đường tiết niệu bằng cách truyền dịch để làm tăng lưu lượng nước tiểu và/hoặc thay đổi pH nước tiểu. Cần theo dõi sát vì phương pháp này dễ gây rối loạn nước – điện giải, thăng bằng kiềm toan.

- Lượng dịch truyền vào phải ≥ 1,5 – 2 lần nhu cầu dịch hằng ngày để lượng nước tiểu đạt 3 – 6 ml/kg/giờ và chỉ có hiệu quả khi tác nhân gây ngộ độc được thải qua thận.

- Toan hoá nước tiểu khi ngộ độc các chất kiềm yếu: amphetamin, chloroquin, quinidin, lidocain.

- Kiềm hoá nước tiểu khi ngộ độc các chất toan yếu: phenobarbital, salicylate, thuốc diệt cỏ.

c) Qua thẫm phân phúc mạc, lọc thận, lọc máu:

Có thể dùng các biện pháp kỹ thuật cao như lọc thận, lọc máu để thải các độc chất ra ngoài cơ thể.

4. Dùng chất đối kháng (antidote)

Tác nhân ngộ độc

Thuốc đối kháng

Acetaminophen

N-acetylcystein

Anticholinergics : anti histamine, atropin

Phyostigmine

Benzodiazepines

Flumazenil

Cholinergic: phyostigmine, phosphore hữu cơ

Atropin sulfate, pralidoxime

Cyanide

Sodium thiosulfate/cyanide antidote kit

Carbon monoxide

Oxygen cao áp

Iron (sắt)

Deferoxamin

Isoniazid

Pyridoxin (vitamin B6)

Lead (chì)

Calcium disodium ethylenediamine tetraacetic acid

Methemoglobin

Bleu methylen

Methanol

Ethanol

Phenothiazine, chlopromazine, primperan

Diphenhydramin

Narcotics: heroin, codein, imodium, sái thuốc phiện

Naloxone

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng

Sodium bicarbonate

ức chế β (β-blockers)

Glucagon

ức chế kênh canxi

Calcium chloride, glucagon

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 07/07/2011
Các thông tin khác
Co giật (07/07/2011)

Số lượt truy cập
11.008.986
318 người đang xem