Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Viêm túi mật cấp

Written by Trần Văn Nguyên

I. Biểu hiện lâm sàng:

1. Triệu chứng cơ năng:

Hầu hết các BN trước đây đã có những đợt đau, chỉ có 20 – 40% số bệnh trước đây chưa đau bao giờ.

Đau liên tục ở vùng túi mật gần như luôn luôn có. Nếu không có đau có thể loại trừ chẩn đoán viêm túi mật. Đau thường xảy ra sau khi ăn và rất có thể do túi mật co bóp mạnh để chống lại nơi tắc của sỏi ở cổ túi mật hay ống túi mật. Về sau, túi mật căng to, phù nề, tắc tĩnh mạch và mạch bạch huyết, và thiếu máu cục bộ, thì đau là do túi mật căng to và sau đó là viêm túi mật và viêm phúc mạc. Đau có thể ở hạ sườn phải hoặc thượng vị hoặc cả 2. Đau lan lên vai phải tới mỏm xương bả vai. Đau lên vai phải do kích thích cơ hoành. Tính chất đau liên tục và mức độ đau giúp chẩn đoán phân biệt viêm túi mật với cơn đau quặn túi mật. Đau do viêm túi mật có thể kéo dài vài ngày, trong khi đau do quặn túi mật thường chỉ một vài giờ.

Buồn nôn và nôn: 60 – 70% các trường hợp. Có thể do phản xạ do áp lực trong túi mật tăng cao. Thông thường BN thường tự gây ra ói để cảm giác dễ chịu hơn.

2. Triệu chứng thực thể:

- Sốt: 80 % các trường hợp. Có thể không sốt ở người già hoặc người bị suy giảm miễn dịch hoặc những người đã dùng kháng viêm Steroid hoặc Non – steroid.

- Triệu chứng tin cậy và thường gặp nhất là ấn đau ở hạ sườn phải, thượng vị hoặc cả 2.

- 50 % các trường hợp có co cứng ở hạ sườn phải và 25% có phản ứng dội.

- Dấu hiệu Murphy có thể (+) và khi có là dấu hiệu đặc thù để chẩn đoán viêm túi mật.

- Trừ khi có viêm phúc mạc mật, còn nói chung nhu động ruột vẫn còn, chỉ mất trong 10% các trường hợp.

- Một khối (mass) ở vùng túi mật có thể sờ thấy trong 40% các trường hợp. Khối này có thể do túi mật căng to hoặc do mạc nối bám vào túi mật bị viêm. Giai đoạn sau, khối này có thể là áp xe quanh túi mật.

- Vàng da chỉ xảy ra 10% các trường hợp, có thể do:

+ Sắc tố mật vào hệ thống tuần hoàn qua niêm mạc túi mật bị tổn thương.

+ Tắc sinh lý đường dẫn mật từ sự co thắt cơ vòng ống mật chủ do phản ứng của quá trình viêm kế cận.

+ Ngoài ra, vàng da cũng gợi ý khả năng sỏi ống mật chủ kèm theo chiếm khoảng 10 – 15% các trường hợp.

II. Cận lâm sàng:

1. Xét nghiệm máu và sinh hoá:

- Bạch cầu tăng cao trong 85% các trường hợp, có thể không tăng ở những người dùng thuốc kháng viêm trước đó hoặc ở người già.

- 50% trường hợp tăng Bilirubin/máu.

- 1/3 các trường hợp có tăng Amylase/máu.

2. Hình ảnh học:

a) Xạ ký túi mật bằng Technetium – IDA:

- Bình thường thấy cả gan, đường mật, túi mật và ruột non.

- Trong viêm túi mật không thấy túi mật do bị tắc ở ống túi mật hoặc cổ túi mật.

- Trong viêm túi mật cấp do sỏi xạ ký túi mật với Technetium có độ nhạy 100%.

b) Siêu âm

- Có thể chẩn đoán được sỏi trong túi mật nhưng không đặc hiệu để chẩn đoán VTMC do sỏi.

- Đôi khi siêu âm cho biết thành túi mật dầy (trên 4mm) và dịch xung quanh túi mật.

- Siêu âm có thể xác định các khối ở hạ sườn phải, dãn nở đường mật và tuỵ cho nên rất có ích trong chẩn đoán các trường hợp có biến chứng hoặc khi chẩn đoán còn mơ hồ.

- Mặc dù một số tác giả khuyên nên dùng siêu âm một cách thường qui cho các trường hợp nghi ngờ VTMC để xác định xem có sỏi trong túi mật hay không, tuy nhiên kỹ thuật xạ hình túi mật có độ đặc hiệu cao hơn nhiều nên được chỉ định cho các trường hợp lâm sàng có biểu hiện của VTMC.

- Tại Việt Nam chưa có phổ biến phương pháp xạ hình túi mật, do đó siêu âm vẫn là phương pháp có giá trị giúp chẩn đoán VTMC. Siêu âm có độ nhạy và độ đặc hiệu theo thứ tự là 85 và 95%.

III. Điều trị:

- BN nếu nghi ngờ VTMC nên cho nhập viện để chẩn đoán xác định.

- Chuẩn bị trước mổ bao gồm:

+ Cho kháng sinh có tác dụng lên vi trùng đường ruột thường gặp trong sỏi túi mật và VTMC.

* Các vi trùng này bao gồm cả gram (+) và gram (-), kỵ khí hoặc hiếu khí. Thường gặp nhất là E. coli, Klebsiella, Streptococcus faecalis, Clostridium welchii, Proteus, Enterobacter và các Streptococcus kỵ khí.

* 40% có 1 loại vi trùng đơn độc, 30% có 2 loại vi trùng, 20% có 3 loại vi trùng phồi hợp.

* Rõ ràng không có 1 kháng sinh nào có thể điều trị được tất cả các loại vi trùng kể trên. Phổ rộng nhất có thể có bằng cách phối hợp: Ampicillin – Sulbactam + Gentamycin, nhưng lưu ý Gentamycin có tính độc nhất định. Cách phối hợp 3 kháng sinh để dành cho các trường hợp thật nặng.

* Xuất độ nhiễm trùng sau mổ rõ ràng giảm đi nhiều nhờ dùng kháng sinh phòng ngừa.

* Kháng sinh nên cho ngay khi có chẩn đoán (+) và tiếp tục cho 24 giờ sau mổ, trừ khi có bằng chứng của VPM nặng thì mới cho tiếp 7 ngày.

* Kháng sinh có thể thay đổi tuỳ theo đáp ứng của BN và tuỳ theo kết quả kháng sinh đồ cấy dịch mật và cấy thành túi mật.

- Điều trị chính yếu cho VTMC là cắt túi mật. Thời gian mổ khi nào cũng đã được bàn cãi rất nhiều. Nhiều phẫu thuật viên phân chia thời gian phẫu thuật làm 3 loại:

+ Mổ sớm: là mổ trong 72 giờ tính từ lúc khởi bệnh.

+ Mổ trì hoãn: là mổ trong khoảng thời gian từ 72 giờ đến khi không còn triệu chứng lâm sàng.

+ Mổ nguội: là mổ sau 6 tuần đến 3 tháng khi quá trình viêm cấp đã hết hoàn toàn.

- Đa số các phẫu thuật viên thích mổ sớm trong vòng 24 đến 48 giờ.

- Một số nghiên cứu tiền cứu cho thấy tỉ lệ tử vong của mổ sớm và mổ muộn cũng như nhau và sự khác biệt về các biến chứng sau mổ không có ý nghĩa thống kê. Ngoài ra, nếu cố gắng điều trị kháng sinh và theo dõi (trong 6 tuần) có đến 20% BN không đáp ứng và phải mổ cấp cứu.

- Do vậy nếu mổ sớm thời gian nằm viện ngắn và BN sẽ trở về cuộc sống hằng ngày sớm hơn.

- Cắt túi mật nội soi được ưa chuộng hơn. Nên chụp đường mật trong lúc mổ.

- Chuyển sang mổ hở nếu cắt nội soi không an toàn hoặc khi chảy máu và rỉ mật khó kiểm soát, khi có rò mật - ruột, khi có áp xe và viêm phúc mạc mật. Tỷ lệ chuyển mổ hở trong VTMC không cao hơn so với khi túi mật hết viêm nếu BN được mổ ở trung tâm có kinh nghiệm phẫu thuật nội soi.

- Đối với những trường hợp VTMC mà thể trạng BN rất nặng, ta có thể mở rộng túi mật ra da, nhưng cần phải theo dõi rất sát vì không loại được khả năng hoại tử túi mật tiếp tục xảy ra. Cắt túi mật cho các trường hợp VTMC có tỷ lệ tử vong 0,2 % và tỷ lệ biến chứng 5%. Tỷ lệ làm tổn thương ống mật có thể 0,4%.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 08/07/2011
 1  2 

Số lượt truy cập
11.008.844
251 người đang xem