Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Như chim chắp cánh, như cây liền cành

Trong khi chắp cánh liền cành;
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.
Trong 2 câu thơ trên, có thành ngữ “chắp cánh liền cành” được dùng theo 1 tích cổ đó.
Chắp cánh liền cành, hiểu rộng ra là “chim chắp cánh cùng bay, cây kết liền cành cùng sống”. Về từ chắp cánh, theo sách Nhĩ Nhã thì ở phía Bắc Trung Quốc xưa có loài chim kiêm kiêm (giống như chim le le), lông màu xanh. Loài chim này chỉ có một mắt. Muốn bay thì hai con trống mái phải cùng chắp cánh với nhau mới bay được.
Còn về từ liền cành thì sự tích li kì hơn. Đó là câu chuyện của nàng Tức Thị, có chồng là Hàn Phùng, người nước Tống (thời Chiến Quốc, 479-229 TCN). Vì ham mê sắc đẹp của Tức Thị, nên vua Tống (tên là Yển) quyết tâm chiếm đoạt nàng. Vua sai người bắt nàng Tức về cung, lại đem lời ngon ngọt dụ dỗ. Nhưng uy quyền của vua cũng không khuất phục được nàng. Tức Thị lên lầu gieo mình xuống đất chết. Trong người nàng, có một bức thư tuyệt mệnh, với mong muốn khi chết được chôn chung với chồng mình. Vua Tống tức giận, sai người chôn hai mộ cách xa nhau. Chỉ sau một tuần, bỗng nhiên từ hai ngôi mộ mọc lên hai cây văn tử. Cành cây của hai cây nọ lớn, dài rất nhanh, bò lan tới và quấn quýt với nhau không rời. Dân gian gọi đó là cây tương tư tình nghĩa.
Như vậy, thành ngữ chắp cánh liền cành có hàm ý nói về sự thủy chung, gắn bó của vợ chồng, dù chết cũng không rời bỏ nhau.

P/S: Trong khi chắp cánh liền cành; Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

Ý của Kiều cho rằng khi chưa thành chồng vợ mà chiều theo ý muốn của Kim Trọng như thế, đến khi thành chồng vợ yêu nhau thì ở bên cạnh đã sẵn lòng rẻ rúng, khinh thường nhau, mất tình đằm thắm mặn nồng.

 

internet
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 27/01/2024
 1  2