Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Trịnh Công Sơn, hạt bụi trong cõi hư vô

Trịnh Công Sơn là một hiện tượng hiếm gặp. Trong đời sống âm nhạc hiện nay, bên cạnh những dòng nhạc như nhạc cách mạng, nhạc trẻ, nhạc dân ca, nhạc tiền chiến, nhạc thính phòng….thì nhạc TCS tồn tại như một dòng nhạc độc lập, trở thành một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và ngay cả trong lĩnh vực văn học từ trước tới nay.

Là một nghệ sĩ sáng tác với một triết lý đơn giản: “tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”.

Từ khi đến với công chúng lần đầu năm 1958, nhạc Trịnh ngày càng chiếm được tình cảm của đông đảo công chúng yêu âm nhạc thuộc đủ mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Nhạc Trịnh luôn là tiếng nói đồng cảm với bất cứ ai là người Việt nam, bởi nhạc của ông là tiếng nói tha thiết của quê hương, tình yêu, và thân phận con người. Qua hành trình âm nhạc của TCS, chúng ta cảm nhận được một gương mặt VN trong lịch sử nội chiến 1954-1975.

Đặc biệt, những bản tình ca của TCS đã, sẽ và mãi mãi trở thành món ăn tinh thần của người Việt.

Làm nên sức sống của nhạc Trịnh chính là phần ca từ. Nhạc sĩ Văn Cao cho rằng âm nhạc của TCS là kết quả của một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa phần ca từ với phần âm nhạc. Hoàng phủ Ngọc Tường thì cho rằng: “Ca từ của TCS chính là vấn đề khiến cho ai nấy đều băn khoăn tự hỏi không biết nguồn thơ của TCS kiếm từ đâu ra ngoài thần cảm bí ẩn của con người thời nhà Đường”. GS. Hoàng Ngọc Hiến đánh giá: “Tất cả ca từ của nhạc TCS làm thành một tình ca hay nhất thế kỷ”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc VN, GS Dương Viết Á cho rằng: “ngay cả trong những năm tháng “chia tay” giữa thơ và ca, xét riêng về ca từ, nhiều nhạc sĩ cần được gọi thêm là nhà thơ, thậm chí nên tuyển chọn vào các tập thơ ca thế kỷ XX: Đặng Thế Phong, Văn Cao, TCS…”.

Bích Hạnh, TCS, hạt bụi trong cõi hư vô, NXB Từ Điển BK, 2011, Lời mở đầu của Trịnh Vĩnh Trinh.
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 26/07/2013
 1  2