Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Hệ thống mạch máu nuôi dạ dày

Hệ thống mạch máu nuôi dạ dày

Hệ thống mạch máu nuôi dạ dày bắt nguồn từ động mạch thân tạng.

Động mạch thân tạng là nhánh lớn đầu tiên của động mạch chủ bụng ngay dưới cơ hoành, ngang mức đĩa gian đốt sống ngực XII và thắt lưng I. Ngay sau khi xuất phát động mạch chia thành 3 ngành: động mạch vị trái, động mạch lách và động mạch gan chung.

I. Vòng động mạch bờ cong vị bé:

- Bó mạch vị phải:

+ Động mạch vị phải thường xuất phát từ động mạch gan riêng. Trong cuống gan, động mạch ở trước và bên trái, đến bờ cong nhỏ chia làm 2 nhánh đi lên để nối với 2 nhánh của động mạch vị trái.

Đặc điểm của động mạch vị phải của người Việt Nam là:

* 95,16% có nguyên uỷ từ động mạch gan riêng

* 3,2 % xuất phát từ động mạch vị tá tràng.

* Đường kính trung bình 1, 62 mm.

+ Tĩnh mạch vị phải kèm theo động mạch và đổ vào tĩnh mạch cửa.

- Bó mạch vị trái:

+ Động mạch vị trái xuất phát từ động mạch thân tạng. Đội phúc mạc lên thành nếp tuỵ trái, đến bờ cong nhỏ nơi 1/3 trên thì chia thành 2 nhánh: nhánh trước và nhánh sau, bò sát thành bờ cong nhỏ để xuống nối với 2 nhánh của động mạch vị phải.

Đặc điểm động mạch vị trái của người Việt Nam là:

* 74,1% có nguyên uỷ từ động mạch thân tạng.

* 16,1% được xuất phát trực tiếp từ động mạch chủ bụng.

* 6,4% có thân chung vị lách.

* Đường kính trung bình 2,5 mm.

* Đặc biệt có 24,19% động mạch vị trái cho nhánh đến thuỳ trái của gan.

+ Tĩnh mạch vị trái phát sinh gần tâm vị đi kèm theo động mạch và đổ vào tĩnh mạch cửa.

II. Vòng động mạch bờ cong vị lớn:

- Bó mạch vị mạc nối phải:

+ Động mạch vị mạc nối phải phát sinh từ động mạch vị tá tràng (là nhánh của động mạch gan chung) đi trong dây chằng vị kết tràng, rồi chạy song song với bờ cong lớn để cho những nhánh lên phân phối cho môn vị, thân dạ dày, và những nhánh xuống gọi là nhánh mạc nối.

Đường kính động mạch vị mạc nối phải ở người Việt Nam là 2,1  mm.

+ Tĩnh mạch vị mạc nối phải ban đầu đi kèm theo động mạch, khi đến môn vị uốn lên trước đầu tuỵ để đổ vào tĩnh mạch mạc treo tràng trên.

- Bó mạch vị mạc nối trái:

+ Động mạch vị mạc nối trái phát sinh từ động mạch lách trong rốn lách hay từ 1 nhánh của động mạch vị ngắn đi vào mạc nối vị lách, rồi chạy dọc bờ cong  lớn trong dây chằng vị kết tràng để cho những nhánh bên cấp máu cho dạ dày.

Vì chạy trong 2 lá khác nhau của mạc nối lớn nên ở chỗ tận cùng của 2 động mạch vị mạc nối phải và trái không thông nối trực tiếp với nhau.

Đường kính động mạch vị mạc nối trái ở người Việt Nam là 1,5 mm.

+ Tĩnh mạch vị mạc nối trái đi theo động mạch đổ vào tĩnh mạch lách.

III. Những động mạch vị ngắn:

Các động mạch này phát sinh từ động mạch lách hay một nhánh của nó, chừng 5 – 6 nhánh qua mạc nối vị lách phân phối cho phần trên bờ cong vị lớn.

IV. Động mạch vùng đáy vị là tâm vị:

- Các nhánh thực quản phát sinh từ động mạch vị trái, đi ngược lên phân phối cho mặt trước và sau vùng tâm vị và đáy vị.

- Động mạch đáy vị sau bất thường sinh ra từ động mạch lách đi trong dây chằng vị hoành phân phối cho đáy vị và mặt sau thực quản.

- Các động mạch hoành dưới trái cho nhánh đến mặt sau tâm vị.

Tóm lại, tất cả các động mạch tạo thành một mạng lưới thông nối ở 2 mặt dạ dày, đặc biệt là trong niêm mạc có sự thông nối động tĩnh mạch.

Trong lớp dưới niêm mạc có 1 mạng động mạch rất lớn, từ đó cho 2 loại nhánh phát sinh: một quay về lớp cơ, một tận cùng trong niêm mạc.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 09/07/2011