Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Lão Khổ

Tạ Duy Anh: ’Tôi sẵn sàng trả giá cho sự mạo hiểm’

Với hàng loạt tác phẩm tên tuổi như ’Bước qua lời nguyền’, ’Lão Khổ’, ’Đi tìm nhân vật’..., nhà văn Tạ Duy Anh đã đưa vào văn chương những vấn đề thế sự, cả thánh thiện, đẹp đẽ lẫn tàn sát, vô lương... Nhưng đó không phải là những khái niệm truyền bảo chết khô mà thông qua sự cảm nhận đau đớn về số phận.

PV: Trong lối nghĩ truyền thống của nhiều người, nhà văn rất nghèo, để sáng tác được họ còn làm nhiều việc để nuôi đam mê của mình, riêng anh lại khác, anh không sống bằng báo chí, không kinh doanh, và quan điểm của anh rất hiện đại là sáng tác phải sang trọng như Lep Tonxtoi?

- Con người ta có số rồi, ông trời đã cho tôi ưu ái đó. Tôi hoàn toàn không phải là người biết kiếm tiền nhưng cũng không phải là người không biết kiếm tiền. Tôi may mắn. Tất cả những gì hiện nay tôi đang có là giời cho tôi, không thể nói khác được, nói khác đi là báng bổ! Tôi tin là giời đã thương một đứa con hiền lành như tôi! (http://www2.vietnamnet.vn/vanhoa/tintuc/2006/09/613899/)

1. Lão khổ lừng danh một thời, ba đào một thời, lụn bại một thời…, chính là lãogià ấy đấy. Lão đang sống an nhàn mà cũng đanh chết âm thầm. Vợ lão, một bà già phúc hậu, phục dịch lão từng li từng tí. Đời lão xét đến cùng còn lại được bà vợ. Thế mới biết danh vọng là thứ đôi khi rất hão huyền, khốn nạn, hiển nhiên nhất ở sự phù phiếm. Danh vọng cũng chẳng ra ngòai được ba thước đất (tr.17).

2. Đời ông Khổ là một bằng chứng cho sự long đong của kiếp người. Mười sáu tuổi đi ở chăn trâu cho địa chủ, đói rét, đòn roi nhục quá kiếp chó. Lúc đi theo cách mạng thì đúng vào thời kỳ đen tối. Ăn hầm, ngủ hố, chỉ cứ trốn mấy thằng con cháu chánh tổng cũng đủ nhược vảy. Vừa mới có quyền trong tay thì cải cách ruộng đất, thành ngay thằng Quốc dân đảng. Sau tám tháng cùm chuồng trâu lại thành chiến sĩ cách mạng. Ngót mười năm lặn lội thân cò, hiến cho sự nghiệp đến cả giọt nước đái…để bị quy là “chui vào tổ chức với dụng ý phá họai ngầm”. Về nghỉ chúng nó cũng không cho yên (tr.27).

3. - Ảnh hưởng lý lịch, đùa à…

Tiếng bàn tán chợt im bặt trước câu nói hòan tòan vô tình. Mọi người chết lặng đi một cách khó hiểu. Câu nói của ai đó giống như chiếc dây thừng sạch sẽ mang vào nhà vừa có người treo cổ. Nó gợi dậy sự nuối tiếc, nỗi kinh hòang và niềm căm thù. Lý lịch! Lý lịch! Bọn khố rách mà lão khổ là đại diện đã bám vào danh từ đó để quật tơi bời lên gia thế lẫm liệt của những kẻ ngồi đây. Cũng vì lý lịch mà mấy chục năm nay họ phải trốn nhủi như bầy chó ghẻ. Ha ha! Đến lượt kẻ từng sử dụng vũ khí lý lịch để chiếm ưu thế tuyệt đối, bị chính nó quật lại (tr.80).

4. Lão Khổ nghe thấy lời đất đai: “Hỡi đứa con khốn khổ. Ngày ngươi trở về với mẹ đất của ngươi, ngươi sẽ hiểu hết việc ngươi làm. Ta tảo tần, hao mòn để nuôi một bầy con ngu muội. Các ngươi đã hút cạn kiệt sức lực ta để cắn xé nhau, tàn hại nhau. Ta có từ triệu năm và sẽ vĩnh cửu. Các ngươi lừa ta thế nào được” (tr.84).

5. Sau vụ tự tàn phá sản nghiệp, Chung bỏ đi bộ đội. Mấy năm “ăn cơm nhà nước”, Chung trở về làng, hăng hái bàn việc “bình thiên hạ”. Từ ngày anh ta được làm đội trưởng nghiễm nhiên gia đình nhà ấy yên ấm.Thế mới biết “tề gia” khó hơn “trị quốc” (tr.97).

6. Đừng nghĩ lão Khổ phí hòai con. Lão có một kiểu thương con khác người. Lão rèn con như rèn sắt từ tấm bé. Thấy con của lão sài đẹn, bé quắt queo, lão cũng xót ruột lắm. Nhưng lão được người ta giáo dục quá cẩn thận về tinh thần hy sinh. Cá nhân, gia đình, làng xã cho đến cả dân tộc, quốc gia…là những yếu tố cản trở thế giới đi đến đại đồng! Lão có sứ mệnh lớn lao phải hy sinh trước. Nếu con lão vì lý do nào đó, chẳng hạn do thiếu lão mà chết, lão có đầy đủ lý luận để chứng minh cho vợ lão hiểu, đấy là một trong hàng ngàn biểu hiện của lòng hy sinh (tr.101).

7. Hai Duy, con của lão Khổ, viết cho cha: “Với con, làng Đồng giống như một nhà tù trong đó cha vừa là cai ngục, vừa là tù nhân số một. Cha tự xiềng xích cha và thấy vui thú với tiếng kêu xủng xẻng. Con ngột ngạt ngay cả khi tưởng mình sung sướng nhất. Con thật kính nể cha khi cha biến cộng đồng của cha thành đám người chỉ biết cúi đầu vâng phục. Điều đó rất có lợi cho quyền lực nhưng trái với khát vọng. Tràn ngập trong vương quốc của cha là lòng hận thù, thói hợm hĩnh về quá khứ, những ảo tưởng điên rồ về tương lai. Vương quốc của cha thiếu không khí để thở. Tràn ngập trong đó thứ ánh sáng nhợt nhạt, hắt ra từ đống tro tàn quá khứ. Người ta bị nhuốm cùng một màu. Người ta không được nhìn thẳng, không được nói to, không được khóc công khai vì tủi nhục hay sung sướng. Người ta phải cắm mắt vào gót chân nhau để đừng bước quá nhanh. Người ta phải biểu thị lòng trung thành bằng cách thì thầm vào tai nhau và “thì thầm” trở thành một phẩm chất của nhân cách. Nó đã tạo được đồng lọat những bộ mặt giống nhau. Những bộ mặt trơn tuột, vô hồn đến ngớ ngẩn, không biết xúc cảm, luôn luôn phải lên mặt đạo đức. Không ai được phép nghĩ về thân phận. Bổn phận của họ là làm theo hiệu lệnh, ăn ngủ theo hiệu lệnh và quên ngay sự có mặt của mình. Thay vào đấy là những bài đồng ca viết sẵn cho cha lãnh xướng. Thật may là cộng đồng của cha không có khả năng nhận biết các giá trị. Bởi vì kẻ nào được trời phú bẩm cho điều đó sẽ bị hỏa thiêu về mặt tinh thần, hoặc trở thành vô đạo đức.

Cha có vẽ rất tự hào về lịch sử. Con thử hỏi cha biết gì về nó? Trước mặt cha là chiếc phông vẽ và cha vĩ đại ở chỗ tưởng đấy là cảnh thật. Trôi nổi trong đám sương mù quá khứ chỉ là những bóng ma, có đủ sức mạnh để điều khiển hiện tại. Quả thực xứ sở của cha chưa bao giờ cất mình khỏi chiếc huyệt quá khứ để bước những bước, dù lầm lỗi nhưng đầy nhân cách và cha chẳng còn cách nào tốt hơn là luôn luôn phải viện dẫn những kẻ đã yên thân dưới mồ …”(tr.155).

TẠ DUY ANH, NXB VHTT, 2002
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 02/11/2010