Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Tính chất sinh lý của cơ tim và chu kỳ tim

Tính chất sinh lý của cơ tim và chu kỳ tim

I. Tính chất sinh lý của cơ tim:

1) Tính hưng phấn:

Tính hưng phấn là khả năng đáp ứng của cơ tim khi kích thích. Nếu kích thích có cường độ thấp, cơ tim không đáp ứng, tăng cường độ kích thích đến một mức nào đó gọi là ngưỡng thì cơ tim đáp ứng bằng cách co cơ tối đa.

2) Tính trơ:

Tính trơ là tính không đáp ứng với kích thích. Nếu kích thích cơ tim giai đoạn đang co (tâm thu), dù kích thích mạnh trên ngưỡng thì cơ cũng không đáp ứng gọi là giai đoạn trơ tuyệt đối. Nếu kích thích vào cuối thời kỳ tâm thu, lúc cơ tim đang giãn tim sẽ đáp ứng bằng co bóp phụ, gọi là ngoại tâm thu. Sau đó tim nghỉ lâu hơn gọi là thời kỳ nghỉ bù. Tính trơ có chu kỳ, vì lặp đi lặp lại. Nhờ tính trơ mà cơ tim không co cứng khi có những khích thích liên tiếp.

3) Tính dẫn truyền

Cơ tim và hệ thống nút có khả năng dẫn truyền xung động: tốc độ dẫn truyền ở nút xoang, bó His là 0,05m/s; cơ nhĩ thất và mạng purkinje là 1m/s, cơ tâm thất 4m/s.

4) Tính nhịp điệu:

Tính nhịp điệu là khả năng phát xung động nhịp nhàng của hệ thống nút: nút xoang phát từ 120 – 150 xung động/phút, gọi là nút dẫn nhịp (Keith – Flack, pace maker). Nút nhĩ thất: 50 – 60 xung động/phút, bó His 30 – 40 xung động/phút.

Nhờ các tính chất trên trong cơ thể tim tự co bóp nhịp nhàng và khi tách khỏi cơ thể tim vẫn tự động co bóp nếu được nuôi dưỡng tốt.

II. Chu kỳ tim:

Tim co giãn theo từng giai đoạn nhịp nhàng. Các giai đoạn này lặp đi lặp lại mỗi vòng gọi là chu kỳ tim. Mỗi chu kỳ tim dài khoảng 0,8 giây. Gồm:

1. Giai đoạn tâm nhĩ thu: kéo dài 0,1s.

Tâm nhĩ thu là cơ tâm nhĩ co lại, làm giảm áp suất trong tâm nhĩ cao hơn áp suất trong tâm thất, lúc này van nhĩ thất đang mở, tống nốt lượng máu còn trong tâm nhĩ xuống tâm thất (khoảng 35% lượng máu từ nhĩ xuống thất trong 1 chu kỳ tim), làm áp suất trong thất tăng nhẹ. Sau giai đoạn nhĩ thu, tâm nhĩ giãn ra trong suốt thời gian còn lại của chu kỳ tim (0,7 s).

2. Giai đoạn tâm thất thu kéo dài 0,3s gồm 2 thời kỳ:

- Thời kỳ tăng áp (0,05s): cơ tâm thất co, áp suất trong tâm thất tăng cao hơn áp suất trong tâm nhĩ làm van nhĩ thất đóng lại và nhô về phía tâm nhĩ (làm áp suất tâm nhĩ tăng nhẹ). Lúc này thể tích trong tâm thất không thay đổi (vì các van đang đóng), áp suất tâm thất tăng rất nhanh, gọi là giai đoạn co cơ đẳng trương vì chiều dài sợi cơ tâm thất không thay đổi đến khi áp suất trong tâm thất cao hơn động mạch chủ và động mạch phổi, làm mở van tổ chim và chuyển sang thời kỳ tống máu.

- Thời kỳ tống máu (0,25s): máu được tống vào động mạch, tâm thất tiếp tục co, áp suất tâm thất vẫn tiếp tục tăng, máu vẫn tiếp tục được tống vào động mạch. Thời kỳ tống máu được chia làm 2 thì:

+ Thì tống máu nhanh (0,09s): 4/5 lượng máu của tâm thất được tống vào động mạch.

+ Thì tống máu chậm (0,16s): lượng máu tống tiếp vào động mạch. Trong điều kiện bình thường (lúc nghỉ ngơi), mỗi lần tâm thất thu tống vào động mạch khoảng 60 – 70 ml máu, thể tích này được gọi là thể tích tâm thu. Sau thì tâm thất thu, lượng máu còn lại trong thất khoảng 50 ml.

Khi máu được tống vào động mạch, tạo một phản lực làm cho sàn van nhĩ – thất hạ xuống, tâm nhĩ giãn ra làm áp suất trong tâm nhĩ giảm xuống.

3. Giai đoạn tâm trương toàn bộ, kéo dài 0,4s:

Sau khi tâm thất thu, tâm thất bắt đầu giãn ra (lúc này tâm nhĩ vẫn đang giãn), áp suất trong tâm thất bắt đầu giảm, đến khi nhỏ hơn áp suất trong động mạch chủ và động mạch phổi, làm van tổ chim đóng lại. Tâm thất tiếp tục giãn, đây là thời kỳ giãn đẳng tích, thể tích tim không đổi vì các van đang đóng, áp suất trong tâm thất tiếp tục giảm xuống rất nhanh, cho đến khi áp suất trong tâm thất thấp hơn áp suất trong tâm nhĩ làm mở van nhĩ – thất, máu được hút từ tâm nhĩ xuống tâm thất (chiếm khoảng 65% tổng lượng máu từ nhĩ xuống thất trong 1 chu kỳ tim).

Kết thúc giai đoạn trương tâm toàn bộ, tâm thất tiếp tục giãn thêm 0,1s nữa, trong khi tâm nhĩ bắt đầu co, mở đầu cho chu kỳ tim tiếp theo.

Trong thực hành lâm sàng, chu kỳ tim được chia thành 2 giai đoạn là tâm trương (diastole) tâm thất giãn, tim hút máu vào thất và tâm thu (systole) tâm thất co, tim bơm máu vào động mạch.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 10/07/2011
Các thông tin khác