Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG

Tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 thang 3 năm 1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Con ông Lâm Đình Chất và bà Trần Thị Nho. Năm lên 10, ông được gửi lên Sài Gòn trọ học tại nhà người bác ruột ở đường Đinh Công Tráng (gần nhà thờ Tân Định). Tuần lễ trước khi từ giã quê nhà, nhạc sĩ đã lang thang trên khắp các bờ đê, ngồi thẫn thờ hàng giờ nhìn đàn cò trắng tung bay trên đồng lúa xanh rờn, nhìn đám lục bình trôi trên bến Dầu Voi (nơi hội nhập của hai giòng sông). Sáng sớm tinh mơ khi ôm gói quần áo ra bến xe đò tìm đường lên Sài Gòn, ông đã không cầm được nước mắt trong vòng tay của người mẹ hiền, từng tiếng nấc nghẹn ngào hòa lẫn vào hồi chuông công phu buổi sáng từ chùa Thập Phương vọng lại.

Ở nhà bác Tư, ngoài giờ học ở trường Les Lauriers, ông dành thời giờ học nhạc với nhạc sĩ Hoàng Lang. Thương cậu học trò nhỏ nghèo nhưng đầy năng khiếu và đam mê âm nhạc, người thầy dốc lòng truyền dậy mà không lấy nhạc phí. Sau vài tháng thụ huấn nhạc lý, vì bận rộn bài vở, thi cử nơi học đường, ông phải tạm ngưng việc học nhạc để đi làm. Tất cả những khó khăn, trắc trở đó đã không làm thui chột lòng đam mê âm nhạc và ước mơ trở thành nhạc sĩ. Có được đồng nào là ông tìm mua các sách nhạc để nghiền ngẫm, tự học thêm. Sau đó, ông có cơ duyên gặp gỡ được nhạc sĩ Lê Thương hướng dẫn thêm phương pháp soạn ca khúc phổ thông. “Tôi chỉ có thể dạy em về kỹ thuật sáng tác, nhưng hồn nhạc thì tôi không dạy được, cái đó là do thiên phú nơi môĩ người”. Câu nói chân tình của nhạc sĩ Lê Thương được ông khắc ghi mãi đến hôm nay. Những giòng nhạc đâu đời đã được sáng tác ở tuổi 13.
Hai năm sau, năm 1952 ông cho phát hành bản Chiều Thu Aáy, và thành công ngay từ bước đầu. Các giọng ca ăn khách thời đó như Bích Thủy, Ngọc Hà và Trọng Nghĩa đã truyền đạt qua làn sóng điện của đài phát thanh Pháp Á suốt mấy tháng liền. Được sự cổ võ nồng nhiệt của khán giả và thân hữu, ông sáng tác ca khúc thứ hai Trăng Thanh Bình, lại thêm một thành công rực rỡ. Từ đó ông liên tục sáng tác thêm những tác phẩm như Kiếp Tha Hương, Tình Cố Đô, Chuyến Đò Vĩ Tuyến…
Một buổi tối, khi đang ngồi học thi, chợt nghe tiếng ru con của người hàng xóm, xen kẽ tiếng ru là nhịp gõ từ khúc cây xuống mặt chiếc phản gỗ. Bực mình vì chia trí không học được, ông bỏ ra ngoài hiên đứng ngắm vầng trăng đêm. Tiếng dội cộp, cộp vẫn vang đều tai. Kỷ niệm của thủơ ấu thơ nơi thôn làng xưa bỗng vụt sống lại. Ông chạy vội vào nhà ôm lấy cây đàn và hí hoáy ghi vội những giòng nhạc thoáng hiện. Nhạc sĩ hỏng thi hôm sau, nhưng đã để lại cho đời một bài nhạc bất hủ: Khúc Ca Ngày Mùa. Hai tuần sau, trên toa xe lửa ra miền Trung dự trại hè liên trường, ông xúc động nhìn cảnh núi rừng vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng của quê hương. Khi đoàn tàu đến ga Nha Trang, ông cũng vừa viết xong bài Đoàn Người Lữ Thứ.
Năm 1958 ông nhập ngũ.
Năm 1959 ông giải ngũ và gia nhập Đoàn Hoa Tình Thương. Đây là giai đoạn ông di chuyển nhiều nhất, theo chương trình ông có dịp đi khắp nơi từ Bến Hải đến Hà Tiên. Những cảnh sắc, tâm tình ở mỗi địa phương đã là nguồn cảm hứng cho những sáng tác sau này của ông.
Năm 1959 đời sống ổn định, lợi tức thu nhập khá hơn do chính ông tự phát hành nhạc của mình mà không qua trung gian các nhà phát hành. Từ giã xóm Vạn Chài, ông và gia đình dọn về căn nhà mới khang trang ở cư xá Lữ Gia. Cũng trong năm này, ông lập gia đình với nữ kịch sĩ Túy Hồng. Cuộc hôn nhân này cho ông được hai cô con gái xinh xắn, dễ thương.
Năm 1973 sau khi các em đã ăn học nên người, tạm xong trách nhiệm của người anh trưởng, ông dọn về một căn nhà khác trên đường Nhật Tảo và ở đây cho đến ngày mất nước.
Năm 1975 ông và gia đình cùng hơn 4,000 người lên tàu Trường Xuân để vượt thoát làn sóng đỏ bạo tàn đang tràn vào Sài Gòn. Sau vài tháng ở trại tỵ nạn, gia đình ông được bảo trợ về định cư tại thành phố Virginia Beach .Được vài tháng, gia đình ông dọn về thành phố Falls Church, Virginia. Năm sau, gia đình dọn về thành phố Dallas, rồi Houston thuộc tiểu bang Texas.
Năm 1981 những xáo trộn, bất đồng trong đời sống đưa đến việc chia tay giữa ông và người bạn đời. Sau đó, ông sang Pháp cùng với cô em út mở một nhà hàng ở Paris. Đây là thời gian ông sáng tác dồi dào nhất tại hải ngoại.
Năm 1995, ông trở về Hoa Kỳ, cư ngụ ở California. Ngày 13 tháng 3 năm 1999, ông bị đứt mạch máu não ở bán cầu não bên trái. Tuy được cấp cứu kịp thời, nhưng hậu quả là ông bị liệt nửa thân người. Sau 5 năm kiên trì tập luyện, ông đã có thể di chuyển quanh nhà một mình mà không cần gậy. Hiện nay, ông sống tại Garden Grove, sức khỏe khả quan hơn nhiều . Bản tính lạc quan đã giúp ông đủ sức mạnh tinh thần để chịu đựng nổi bất hạnh và vượt qua nghịch cảnh.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 17/02/2011