Charles Bell – nhà giải phẫu học, sinh lý và phẫu thuật người Scotland – đã giúp chúng ta hình dung rất chi tiết về những triệu chứng của căn bệnh này. Bệnh nhân thấy mặt mất cân xứng, bên liệt như mặt nạ, ít cử động, các nếp nhăn tự nhiên mất, rãnh mũi má mờ đi hoặc mất hẳn, miệng và nhân trung bị kéo lệch về bên lành.
Nếp nhăn trán bị mờ đi hoặc mất hẳn. Đặc biệt, mắt không nhắm được do cơ vòng mi bị liệt, nhãn cầu đưa lên trên để lộ một phần tròng trắng (dấu hiệu Charles Bell). Ngoài ra còn có các triệu chứng ít gặp hơn như tê nửa mặt bên liệt, mất vị giác ở 2/3 trước của lưỡi, khô mắt do làm giảm tiết nước mắt hoặc “mắt ướt nhạt nhòa” vì tăng tiết lệ.
Sở dĩ có các triệu chứng trên là do thần kinh chi phối vùng mặt bị tổn thương. Vận động của các cơ ở trên mặt được chi phối bởi dây thần kinh số VII. Nhờ vậy chúng ta mới biểu lộ được cảm xúc qua nét mặt. Có hai dây thần kinh mặt: dây phải sẽ chi phối vận động cho nửa mặt bên phải, dây trái sẽ chi phối cho nửa mặt còn lại.
Ngoài ra, dây thần kinh số VII còn chịu trách nhiệm nhận biết cảm giác ở 2/3 trước của lưỡi, chi phối cảm giác sâu ở vùng mặt, chi phối tuyến lệ, cơ vòng mi mắt… Do vậy khi dây thần kinh mặt bị tổn thương sẽ gây ra các dấu hiệu ở nửa mặt cùng bên giống như mô tả ở trên. Khi các cơ ở một bên mặt bị tổn thương thì cân bằng về lực cơ sẽ nghiêng về phía lành. Do vậy, miệng và nhân trung sẽ bị kéo lệch về bên lành.
Các nhà lâm sàng chia liệt nửa mặt làm hai loại: liệt nửa mặt ngoại biên và trung ương. Những dấu hiệu vừa mô tả ở trên là của liệt ngoại biên. Còn liệt mặt trung ương (do tổn thương phần nhân nằm trong não – nơi khởi nguồn của dây thần kinh số VII) thì không có dấu hiệu Charles Bell và không mất các nếp nhăn trên trán. Liệt mặt trung ương thường kèm theo liệt nửa người.
Liệt nửa mặt trung ương thường do u não, chấn thương hoặc tai biến mạch máu não. Liệt nửa mặt ngoại biên thường có thể không rõ nguyên do (thường được quy là do lạnh) và loại này thường gặp nhất trên lâm sàng. Cũng có thể do viêm màng não dày dính, làm tổn thương thần kinh số VII từ rãnh hành tủy – cầu não đến ống tai trong, do viêm tai giữa, chấn thương vùng xương đá (nằm sâu trong hộp sọ), do giang mai, viêm nhiễm dây thần kinh hoặc bệnh bại liệt trẻ em…