Nhiều ông bố, bà mẹ thường cho rằng tiểu nhiều lần ở trẻ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thu Hồng, Phó khoa Hô hấp - Tiết niệu trẻ em, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, hiện tượng tiểu lắt nhắt có thể là do bệnh ở cơ quan sinh dục, tiết niệu.

Có thể do viêm đường tiết niệu

Theo thạc sĩ Lê Anh Dũng, khoa Ngoại Bệnh viện Nhi Trung ương, ở trẻ em, tiểu tiện xuất hiện tự nhiên như một phản xạ của tủy sống. Lượng nước tiểu tích tụ tăng lên sẽ làm giãn bàng quang và kích thích các dây thần kinh làm co bóp các cơ của bàng quang. Do dung tích bàng quang còn bé nên trẻ thường đi tiểu nhiều lần. Trong năm đầu, trẻ đi tiểu khoảng 20 lần trong vòng 24 giờ. Sau đó, số lần tiểu tiện giảm xuống, còn khoảng 11 lần vào cuối năm thứ ba.

Đến khoảng bốn tuổi thì hầu hết trẻ em mới có kiểu kiểm soát nước tiểu như ở người lớn. Như vậy, trẻ dưới bốn tuổi đi tiểu nhiều lần nhưng không có triệu chứng gì khác thường thì cha mẹ không phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ đi tiểu lắt nhắt kèm theo các triệu chứng như sốt cao, rét run, nước tiểu đục thì đó là do nguyên nhân bệnh lý. Trường hợp này có thể trẻ đã bị nhiễm trùng tiết niệu.

Bác sĩ Hồng cũng cho biết, ngoại trừ nguyên nhân tâm lý là có một số trẻ khi đi mẫu giáo thường lấy lý do xin đi vệ sinh để được ra ngoài, không phải ngồi im trong lớp thì tiểu lắt nhắt có thể là do bé bị hẹp bao quy đầu hoặc viêm đường tiết niệu. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng tiểu lắt nhắt ở bé trai là chít hẹp bao quy đầu (khoảng 70% đến 80%). Còn với các bé gái, nguyên nhân thường là viêm đường tiết niệu. Do ở bé gái niệu đạo ngắn, gần hậu môn nên nếu vệ sinh không tốt, rất dễ gây ra viêm đường tiết niệu.

Chú ý khi trẻ có biểu hiện bất thường

Theo bác sĩ Hồng, cha mẹ nên chú ý các biểu hiện bất thường của trẻ như tiểu không hết bãi, tiểu khó, phải rặn khi đi tiểu… để đưa đến gặp các bác sĩ chuyên khoa xem có phải do nguyên nhân bệnh lý không và có cách điều trị.

Bác sĩ Hồng cũng khuyến cáo, với những trẻ bị hẹp bao quy đầu, một vài trẻ khi lớn lên có thể tự giãn ra một phần nhưng phần lớn là cần phải có tác động nong rộng của các bác sĩ chuyên khoa. Việc nong rộng bao quy đầu cần thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là từ 5 đến 12 tháng tuổi. Nếu để muộn, việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt, từ ba tuổi trở lên, bao quy đầu đã xơ cứng, độ giãn giảm đi, việc bóc tách sẽ trở nên phức tạp, có thể gây chảy máu.

Ngoài ra, nếu thấy con đi tiểu vặt bất thường kèm theo dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu mà sử dụng kháng sinh không tác dụng hoặc các dấu hiệu vẫn tái đi tái lại, cần nghĩ ngay đến nguyên nhân hẹp bao quy đầu. Bởi khi bao quy đầu chưa được nong rộng, nước tiểu không thoát ra hết chính là nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm trùng tái diễn.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, với những trẻ đái dắt, tốt nhất là đưa đi khám ở các cơ sở chuyên khoa để xác định do yếu tố tâm lý hay bệnh lý. Bên cạnh đó, cần vệ sinh và luyện cho trẻ thói quen vệ sinh, tẩy giun thường xuyên vì trẻ đi mẫu giáo rất hay tái nhiễm giun kim, khi trẻ gãi, có thể gây viêm nhiễm.



Nguồn : http://www.baomoi.com