SHRUNKEN KIDNEY

I. Teo thận (Shrunken Kidney) là gì?
Thận có hình hạt đậu nằm ở phía sau phúc mạc. Mỗi thận nặng khoảng 130g. Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, thận của họ dài từ 10-12 cm, rộng từ 5-6 cm và có độ dày khoảng 3-4 cm.
Teo thận là một hiện tượng bất thường trong đó kích thước của thận nhỏ hơn giá trị bình thường.
Nephron là đơn vị cấu tạo cũng như đơn vị chức năng của thận, chúng có khả năng tạo nước tiểu độc lập với nhau. Cả 2 thận có khoảng trên 2 triệu nephron. Thông qua chức năng tạo nước tiểu, thận tham gia điều hòa nội môi. Tuy nhiên, nếu các nephron bị mất hay tổn hại, chức năng thận bị ảnh hưởng kết quả là gây teo thận.
II. Nguyên nhân gì gây teo thận?
Teo thận là kết quả của 1 quá trình bị ảnh hưởng lâu dài bởi 1 số nguyên nhân.
1. Nguyên nhân do bệnh nhiễm trùng: Viêm bể thận mãn tính, áp-xe
* Viêm bể thận mãn tính:
Cơ chế: Là một tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng liên tục sẽ phá hủy 1 nhóm nephron mà sau đó được thay thế bằng mô sẹo. Một khi thận đã được sẹo theo cách này, kết quả của sự biến dạng này là nhiễm trùng tiếp và tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn. Các sẹo hình thành làm thận teo lại. Nếu không chữa trị, viêm bể thận mãn tính có thể dẫn đến suy thận mãn tính.
Nguyên nhân phổ biến của viêm bể thận mãn tính:
+ Sỏi thận: tắc nghẽn và ứ nước tiểu gây ứ nước và nhiễm khuẩn.
+ Trào ngược: trào ngược mãn tính của nước tiểu lên niệu quản vào thận gây nhiễm khuẩn.
+ Mang thai: ứ nước do sự giãn nở và thư giãn của niệu quản, một phần do tắc nghẽn từ tử cung to ra, phần khác do ảnh hưởng của progesterone.
+ Từ quá trình xét nghiệm: mang các sinh vật vào niệu đạo và bàng quang bằng ống thông hoặc nội soi.
* Áp-xe thận, quanh thận: Có thể phát triển ở thận bình thường hoặc bị bệnh. Thường kết hợp với sỏi thận hoặc các vật cản đường tiết niệu. Cơ chế tương tự viêm bể thận mãn tính.
2. Tắc nghẽn: Thận ứ nước, trào ngược bàng quang – niệu quản
* Cơ chế : Sự căng trướng hệ thống đài bể thận do hậu quả của sự tắt nghẽn nước tiểu dưới bể thận hay niệu quản. Dưới áp lực của nước tiểu, nếu tình trạng kéo dài gây xơ và mất hoặc ảnh hưởng đến chức năng các nephron. Thời gian và mức độ tắc nghẽn có ý nghĩa rất lớn. Sự chèn ép này gây ra thiếu máu cục bộ và làm mỏng chủ mô thận. Kết quả sau đó là teo mô thận. Thận có thể bị phá hủy mà không đau.
* Nguyên nhân phổ biến:
+ Phần lớn do tắt nghẽn giải phẫu học ( van niệu đạo, hẹp tại vị trí khúc nối niệu quản-bàng quang hay niệu quản -bể thận) chiếm phần lớn nguyên nhân ứ nước ở trẻ em.
+ Người lớn thường có nguyên nhân do sỏi, phì đại tiền liệt tuyến, tắt nghẽn đường ra của bàng quang, ung thư vùng chậu hay vùng sau phúc mạc, sỏi là nguyên nhân chủ yếu của bệnh nhân lớn tuổi.
+ Thận và niệu quản ứ nước có thể thấy ở phụ nữ mang thai. Thận ứ nước có thể do ảnh hưởng của progesterone và sự ép cơ học của tử cung vào niệu quản. Bên phải bị nhiều hơn bên trái có thể thấy tới 80% phụ nữ có thai. Sự ứ nước này có thể thầy được bằng siêu âm vào tam cá nguyệt thứ 2, và tự hết sau sinh 6-12 tuần.
3. Bẩm sinh
* Các dị tật bẩm sinh có nguyên nhân liên quan đến việc trở ngại nguồn cung cấp máu trong giai đoạn phôi thai, lối sống và tình trạng sức khỏe của phụ nữ mang thai, và cũng có thể do gene mà mô thận không thể phát triển hoàn thiện.
* Thận đa nang: Một rối loạn truyền gen. Mô thận bình thường được thay thế bằng cụm nang như chùm nho rộng ra theo thời gian và phá hủy các mô xung quanh bằng cách chèn ép. Xơ hóa mô kẽ xảy ra. Nhiễm trùng và sỏi thận thường phát triển do ứ nước tiểu và chèn ép. Thận đa nang dễ dàng bị nhiễm trùng. Tưới máu kém ngăn ngừa kháng sinh đạt đến ổ nhiễm trùng. Chúng gây tổn hại các nephron.
4. Suy thận giai đoạn cuối
Khi bệnh phát triển thành bệnh thận giai đoạn cuối, creatinine huyết thanh và ure máu thường đạt mức cao. Nephron, các mô chức năng của thận, bị tổn hại. Thận sẽ teo lại.
5. Một số nguyên nhân khác:
Thiếu máu cục bộ thận: nó xảy ra do khi giảm lưu thông máu đến thận, giảm cung cấp oxy cho mô thận gây hoại tử mô kết quả gây teo thận. Lý do thiếu máu cục bộ là xơ vữa động mạch (hẹp động mạch do sự tích tụ chất béo trong bức tường của nó).
Tắc nghẽn của động mạch thận do cục máu đông.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân: bệnh cầu thận cấp, viêm cầu thận mãn, thải ghép sau khi ghép thận, hoại tử vỏ thận, lao thận,…
Nói tóm lại, teo thận là kết quả của các bệnh thận bất kỳ tác động tiêu cực đến Nephron, đặc biệt là các bệnh thận mãn tính (Chronic Kidney).
III. Triệu chứng:
Từ những nguyên nhân cơ bản của teo thận khác nhau, các triệu chứng của bệnh nhân có thể có một sự khác biệt nhỏ. Tuy nhiên, có các triệu chứng phổ biến như:
* Lâm sàng:
- Buồn nôn và nôn
- Mệt mỏi
- Đau lưng
- Ngứa da
- Đi tiểu thường xuyên
- Phù kiểu thận
- Huyết áp cao
- Tiểu máu
* Cận lâm sàng
- Khi hơn 50% chức năng thận bị tổn thương, sẽ có những bất thường trong kết quả xét nghiệm như creatinine cao và BUN cao.
- Ngoài ra, các xét nghiệm hình ảnh như: Siêu âm, CT Scan, MRI,… góp phần hỗ trợ chẩn đoán.
IV. Điều trị
Trước tiên ta phải xác định tình trạng thực hiện chức năng của thận. Nếu thận không hoạt động được ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ. Nếu thận còn hoạt động, ta nổ lực phục hồi chức năng:
- Trong trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc viêm bể thận cấp tính, sử dụng các loại thuốc có thể hữu ích.
- Nếu có suy thận, phương pháp lọc máu là cần thiết.
- Liệu pháp tế bào gốc: Tế bào gốc có thể biệt hóa thành các tế bào bị hư hỏng và thay thế chúng. Tổn thương thận có thể có được phục hồi.
Có thể có nhu cầu ghép thận trong tương lai.
* Lập chế độ ăn uống & điều chỉnh lối sống:
- Chế độ ăn, uống:
+ Protein: Thực hiện theo một chế độ ăn ít protein với protein chất lượng cao.
+ Fat: Bệnh nhân nên hạn chế mỡ động vật thay vào đó sử dụng một số axit béo không bão hòa (đặc biệt là Omega-3) như dầu cá và dầu hạt lanh là tốt cho sức khỏe.
+ Năng lượng: Điều chỉnh lượng năng lượng đưa vào cơ thể để duy trì trọng lượng ở mức bình thường, đó là nền tảng để chiến đấu chống lại bệnh tật.
+ Hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh.
+ Lấy vào đúng số lượng kali và phốt pho.
+ Tránh các loại thực phẩm có chứa purine
+ Uống đúng lượng nước
- Điều chỉnh lối sống:
+ Bỏ hút thuốc và uống rượu
+ Sống một cuộc sống tích cực
+ Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động nhẹ
+ Phòng cảm cúm và nhiễm trùng
+ Đi kiểm tra định kỳ

* TƯ LIỆU THAM KHẢO:
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/9507221
http://www.merckmanuals.com/professi...y_disease.html
http://www.kidneyabc.com/ckd-basics/1364.html
http://www.kidney-healthy.com/kidney-shrinkage/
http://phanvanhoang.blogspot.com/201...nieu-quan.html
http://www.kidneyservicechina.com/ckd-basics/214.html
http://www.kidney-symptom.com/kidney-shrinkage.html
http://www.kidneyfailureweb.com/ckd/147.html
http://www.kidneyfailureweb.com/symp...thers/782.html
http://www.tandurust.com/health-faq/...treatment.html