Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Viêm cầu thận cấp

Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị viêm cầu thận cấp

I. Triệu chứng lâm sàng:

1. Thời kỳ tiềm ẩn:

Trong trường hợp điển hình bệnh diễn tiến từ từ sau khi bị nhiễm trùng ở tai mũi họng, thời kỳ tiềm ẩn này là 3 – 10 ngày, còn nhiễm trùng da 2 – 3 tuần.

Nguyên nhân nhiễm trùng thường gặp là liên cầu trùng β tan máu nhóm A dòng độc cho thận là M type: 1, 2, 4, 12, 18, 25, 49, 55, 57, 60. Tuy nhiên chỉ có khoảng 15% trẻ bị nhiễm liên cầu tan máu nhóm A dòng độc cho thận gây ra viêm cầu thận cấp. Tuỳ vào vị trí nhiễm trùng, nếu nhiễm trùng da nguy cơ gây VCTC là 25%, trong khi nhiễm trùng ở họng chỉ có 5%.

2. Thời kỳ toàn phát:

- Phù:

+ Đa số là phù kín đáo 11,8%,

+ Phù không rõ chiếm tỉ lệ 3,3%.

+ Phù mức độ nhẹ, trung bình, và phù toàn thân 74,9%.

+ Phù to toàn thân kèm cổ trướng 12,5%.

- Cao huyết áp: 60 – 70% BN có cao HA, HA cao cả tối đa lẫn tối thiểu. Có những trường hợp HA cao nhưng không cần điều trị hạ áp sau 1 – 2 tuần HA sẽ ổn định. Nhưng đối với cao HA thể phối hợp với bệnh tự miễn khác thì cần sử dụng thêm Prednisone, HA sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.

+ Nếu cao HA trong VCTC không được theo dõi và dùng thuốc hạ áp, HA cao nhiều có thể gây biến chứng tim mạch.

+ Cách xác định huyết áp:

Công thức: HA tối đa = 80 + 2n; với n = tuổi; áp dụng trong lâm sàng nhiều hơn

+ HA được phân độ như sau:

* Tăng HA nhẹ: khi HA TĐ + 10 mmHg

* Tăng HA vừa: khi HA TĐ + 20 – 30 mmHg

* Tăng HA nặng: khi HA TĐ + ≥ 30 mmHg

+ Cơ chế cao HA có thể do nhiều yếu tố: thể tích nội mạch tăng, hệ thống Renin-Angiotensin, vai trò của Cytokines gây co mạch.

- Thiểu niệu: số lượng nước tiểu giảm rõ rệt, thậm chí có thể vô niệu (11,27% thiểu niệu, vô niệu) gây suy thận cấp.

- Đái máu vi thể: khoảng 30 – 50 % có tiểu máu đại thể.

- Viêm cầu thận cấp có thể kết hợp với các thể lâm sàng của bệnh tự miễn nhiễm như: sốt cao kéo dài, viêm phổi kẻ, Schonlein Henoch, Lupus đỏ, bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.

II. Cận lâm sàng:

1. Xét nghiệm nước tiểu:

- Xét nghiệm nước tiểu trước tiên phải làm và có kết quả nhanh.

- Hồng cầu niệu, trụ hồng cầu là triệu chứng quan trọng nhất và hay gặp nhất, hồng cầu biến dạng.

- Đạm niệu dưới 2g/24 giờ, giai đoạn thiểu niệu nồng độ protein niệu có thể rất cao, sau đó giảm dần. Có khoảng 2 – 5 % tiểu đạm có ngưỡng của thận hư.

- Cặn Addis: hồng cầu > 2000 HC/phút.

2. Xét nghiệm máu:

- Ure, creatine máu có thể tăng.

- Lắng máu (Vs), CRP tăng ít trong thể hậu nhiễm liên cầu.

- Bổ thể C3, C4 giảm trong đợt cấp.

- Đo ASO (anti streptolysin O): những BN nhiễm liên cầu sẽ có ASO tăng > 200 đơn vị chiếm tỉ lệ 90% tăng cao nhất trong tuần thứ 3 đến 5 và giảm dần trong nhiều tháng sau (6 tháng)

3. Cấy dịch họng

Chỉ dương tính 25% những BN có viêm cầu thận nhiễm liên cầu.

4. Sinh thiết thận:

Có chỉ định trong VCTC trẻ em khi bệnh kéo dài trên 6 tháng với mục tiêu là đánh giá mức độ tổn thương ở thận và có chỉ định sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Nếu tổn thương nội và ngoại mạch > 80% là tiên lượng xấu.

III. Điều trị

Với VCTC hậu nhiễm liên cầu không có điều trị đặc hiệu. Ngoài việc sử dụng kháng sinh, điều trị nhằm mục đích kiểm soát cao HA và ảnh hưởng của bệnh lên chức năng lọc cầu thận (thường giảm > 50% khả năng lọc của thận). Vì vậy cần hạn chế lượng muối, protein và kali ăn vào.

1. Nguyên tắc điều trị:

- Điều trị nhiễm trùng do Streptococcus.

- Điều trị triệu chứng.

- Điều trị biến chứng.

2. Điều trị nhiễm trùng:

Sử dụng kháng sinh Penicilline V 50.000 – 100.000 đv/kg/ngày. Trong 10 ngày, mục đích tiêu diệt liên cầu.

3. Điều trị tăng huyết áp:

a. Tăng HA nhẹ:

Không cần hạ HA bằng thuốc, chỉ cần khuyên BN về chế độ ăn ít muối (< 2g natri/ngày)

b. Tăng HA vừa:

- Lợi tiểu dùng một loại thuốc, hoặc

- Ức chế adrenergic: Propranolol, Methyldopa (Aldomet 5 – 10 mg/kg)

- Lợi tiểu + Ức chế giao cảm β, ức chế kênh canxi, ức chế men chuyển, hoặc

- Ức chế giao cảm + ức chế kênh canxi, hoặc

- Ức chế kênh canxi + ức chế men chuyển.

c. Tăng HA nặng:

- Đảm bảo hô hấp – tuần hoàn ổn định: nằm đầu cao, thở O2, truyền tĩnh mạch.

- Điều trị khẩn cấp tăng HA: được áp dụng cho các trường hợp tăng HA nặng và không có biểu hiện tổn thương cơ quan đích.

- Cấp cứu cơn tăng HA phải dùng đường tĩnh mạch, làm giảm HA từ từ. Tốt nhất là HA trung bình giảm khoảng 25% HA ban đầu trong 8 giờ đầu và trở về bình thường trong 24 – 48 giờ sau.

- Đa số các trường hợp khẩn cấp tăng HA chỉ cần dùng thuốc hạ HA đường uống là đủ. Mức độ giảm HA trung bình được khuyến cáo giảm 1/3 mức HA cần giảm trong vòng 6 giờ đầu, 1/3 giảm mức HA cần giảm tiếp theo trong vòng 24 – 36 giờ, 1/3 còn lại giảm trong vòng 24 – 96 giờ hoặc lâu hơn.

- Các thuốc dùng trong điều trị khẩn cấp tăng HA ở trẻ em:

Thuốc

Nifedipine

Captopril

Minoxidil

Liều

0,25 – 0,5 mg/kg

< 6 tháng:
0,05 – 0,5 mg/kg

> 6 tháng:
0,3 – 2 mg/kg

2,5 – 5 mg/kg

Đường dùng

Nhỏ giọt dưới lưỡi

Uống

Uống

Thời gian bắt đầu tác dụng

15 – 30 phút

15 – 30 phút

2 giờ

Thời gian tác dụng

6 giờ

8 – 12 giờ

12 giờ

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 07/07/2011