Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Loét dạ dày - tá tràng

Chẩn đoán và điều trị xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày – tá tràng

I. Chẩn đoán:

- Bệnh nhân nôn ra máu và hoặc tiêu phân đen

- Tiền sử: đau thượng vị.

- Bệnh sử: có thể có dùng thuốc kháng viêm trước đó.

- Chẩn đoán xác định dựa vào nội soi dạ dày – tá tràng xác định có loét và các biểu hiện của tình trạng xuất huyết.

- Hiện nay, phân loại Forrest được áp dụng cho phép đánh giá khả năng xuất huyết từ một tổn thương loét.

Ia

Máu phun thành tia

Máu từ động mạch, nguy cơ tái xuất huyết rất cao

Ib

Máu rỉ thành dòng

Máu từ tĩnh mạch, nguy cơ tái xuất huyết cao

IIa

Mạch máu nhìn thấy

Nguy cơ tái xuất huyết cao

IIb

Cục máu dính

Nguy cơ tái xuất huyết cao

IIc

Có cặn máu đen

Nguy cơ xuất huyết thấp

III

Đáy sạch

Không nguy cơ xuất huyết

II. Điều trị:

1. Rửa dạ dày:

Tiến hành ở tư thế nghiêng trái, đầu thấp. Thường dùng dung dịch mặn đẳng trương để hạn chế mất điện giải, rửa nhẹ nhàng không quá 300 ml mỗi lần.

2. Kháng acid:

Dùng ở dạng gel, liều thường dùng là 15 – 30 ml mỗi 1 – 2 giờ chú ý là nên cho sau khi rửa dạ dày để có thể bám vào niêm mạc tốt hơn. Không nên cho ngay trước khi nội soi có thể cản trở quá trình quan sát.

3. Các chất chống tiết acid:

Tác dụng ngăn ngừa xuất huyết tái phát.

- Khi bệnh nhân đang xuất huyết, bắt buộc phải dùng đường tiêm.

+ Cimetidin: ống 200 mg, 300 mg.

+ Ranitidin:  50 mg/ống.

+ Famotidin: 20 mg/ống.

- Hiện nay thuốc được khuyên dùng là nhóm thuốc ức chế bơm proton dùng đường tiêm.

+ Omeprazole 40 mg/lọ

+ Pantoprazol 40 mg/lọ

+ Esomeprazol 40 mg/lọ

Liều đầu là 2 lọ tiêm mạch ngay, sau đó duy trì 8 mg/giờ trong vòng 72 giờ cho các bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày tá tràng có Forrest Ia, Ib, IIa, IIb. Sau đó chuyển sang duy trì bằng thuốc viên uống với liều gấp đôi liều điều trị loét thông thường.

Đối với Forrest IIc và III có thể dùng thuốc viên uống.

4. Điều trị nội soi

Các biện pháp rửa dạ dày, kháng acid, chống tiết… không có vai trò làm cầm máu mà chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự cầm máu tại chỗ và ngăn ngừa xuất huyết tái phát. Thậm chí, ngay cả những tác động trên cũng chưa được nhất trí hoàn toàn. Khi xuất huyết không cầm hay tái phát dù đã áp dụng các biện pháp trên, điều trị tích cực bằng nội soi được chỉ định.

Hiện nay, chích cầm máu là biện pháp được chọn hàng đầu ở Việt Nam. Hoạt chất dùng trong chích cầm máu có thể là các thuốc co mạch như adrenalin, các thuốc gây xơ hoá như alcool, polidocanol, các dung dịch ưu trương…

Điều trị được coi là thành công nếu:

- Xác định chỗ chảy máu đã cầm qua nội soi.

- Tube Levine không chảy máu trong 24 giờ sau đó.

- Các thông số huyết động ổn định.

Giá trị: điều trị nội soi thật sự là biện pháp cầm máu chủ động tích cực và hiệu quả. Các lợi ích của nó:

- Giảm lượng máu cần dùng.

- Giảm chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

- Giảm thời gian và chi phí nằm viện.

5. Phẫu thuật

Chỉ định phẫu thuật bao giờ cũng phải được cân nhắc từ 2 phía:

- Phía bệnh viện: cụ thể là trang thiết bị, phương tiện để chẩn đoán và điều trị, có khả năng điều trị nội soi hay không? Khả năng cung cấp máu cho BN.

- Phía BN: cần phải tham khảo 1 số yếu tố:

+ Tuổi BN: BN trẻ có khả năng chịu đựng cuộc mổ tốt nhưng ảnh hưởng sau mổ sẽ rất lớn.

+ Tiền sử có bị xuất huyết hay không? Số lần và số lượng?

+ Thời gian mắc bệnh, vị trí và kích thước ổ loét.

Do đó, các chỉ định cụ thể sẽ rất thay đổi tuỳ từng tác giả, từng bệnh  viện.

Ở nước ta do khó khăn về nội soi, thuốc men và máu, các chỉ định ngoại khoa thường là:

- Chảy máu ồ ạt đe doạ tử vong lập tức.

- Chảy máu nhiều, sau khi truyền nhanh 1000ml mà tổng trạng không cải thiện, mạch và huyết áp xấu dần đi.

- Chảy máu vừa phải nhưng nếu kéo dài quá 48 giờ và đã truyền hơn 10 đơn vị máu.

- Chảy máu kèm theo thủng hay hẹp môn vị.

- Khó tìm đủ lượng máu thích hợp.

6. Điều trị sau khi xuất huyết đã ổn định

BN nên nằm viện ít nhất 48 – 72 giờ sau khi ngừng chảy máu sau đó tiếp tục điều trị loét.

Điều trị Helicobacter pylori.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 03/07/2011
Các thông tin khác