Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Thật giả lẫn lộn

TT - Có hai loại bằng: bằng giả thật và bằng thật giả.
Bằng giả thật là thứ bằng giả đúng nghĩa đen. Nó giả tất cả mọi chuyện. Từ khóa học, thời gian học đến số lưu hồ sơ gốc - tất cả mọi thứ đều giả. Một đặc điểm rất quan trọng khác của bằng giả thật là người "cấp" bằng cũng giả nốt. Người này chỉ là một kẻ làm hàng mã tinh vi, chứ không phải một quan chức có thẩm quyền. 

Bằng thật giả là một thứ bằng thật không đến nơi đến chốn. Nó nói thật về rất nhiều điều, nhưng lại giả điều quan trọng nhất: giả về trình độ và kỹ năng của người được cấp bằng.

Ngược lại với bằng giả thật, bằng thật giả bao giờ cũng do quan chức có thẩm quyền xác nhận và cấp phát.

Trong hai thứ bằng nói trên, bằng thật giả mới nguy hại hơn.Trước hết, bằng giả thật rất dễ bị phát hiện, còn bằng thật giả thì rất khó. Bằng giả thật chỉ cần tra cứu hồ sơ gốc là phát hiện ngay. Việc hiện nay vẫn còn nhiều người dùng bằng giả thật chưa bị phát hiện chẳng qua là do chúng ta chưa chịu bỏ thời gian để làm chuyện tra cứu dễ dàng nói trên. Với bằng thật giả, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Thiếu những cuộc điều tra trung thực và công phu không thể phát hiện loại bằng này. Hai là, bằng giả thật chỉ phản ánh sự hư hỏng của một số cá nhân. Bằng thật giả thì còn phản ánh cả sự có vấn đề của một hệ thống quản lý.

Trên thế giới này, nạn dùng bằng giả ở đâu cũng có và thời nào cũng có. Điều đáng nói là có vẻ như ở xứ ta và ở thời ta, nạn này đang diễn ra nhiều hơn mức có thể gọi là bình thường. Thế đâu là nền tảng văn hóa - xã hội của hiện tượng đáng quan ngại này?

Phải chăng đó là những bất cập trong chủ trương chuẩn hóa cán bộ công chức hiện nay? Rõ ràng, kỹ năng tin học và ngoại ngữ là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải cần đối với mọi công việc và mọi chức danh. Chưa nói đến một thực tế khác là việc học các kỹ năng trên có thể là quá gấp hoặc quá muộn đối với rất nhiều người. Trong trường hợp này, cách duy nhất để họ được nâng lương, được lên chức chỉ còn là mua lấy các chứng chỉ cần thiết.

Ngoài ra, học để lấy bằng và học để làm việc nhiều khi chẳng gắn bó gì với nhau. Ví dụ, một chuyên viên có thể học hết cả một chương trình chuyên viên cao cấp, mà công việc phải làm là viết báo cáo thì vẫn chẳng được bổ sung kiến thức và kỹ năng gì. Cái sự học theo tinh thần "không bổ âm cũng bổ dương" như vậy thật không thiết thực và chẳng tạo được động lực cho ai.

Phải chăng đó còn là sự thất bại trong việc xác định các loại kiến thức và kỹ năng khác nhau cần thiết cho những công việc khác nhau trong hệ thống? Rất nhiều người học bằng tiến sĩ chỉ để được đề bạt, mặc dù bằng tiến sĩ chỉ xác nhận trình độ nghiên cứu chứ không xác nhận trình độ quản lý - điều hành.

Hành vi mua bằng thật đáng hổ thẹn. Hành vi bán bằng giả cũng vậy. Người ta chỉ có thể mua bán chúng dễ dàng khi tòa án lương tâm không còn ngày đêm cắn rứt.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 01/11/2010