Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Dưới chín tầng trời

Dưới chín tầng trời
Cách nhìn của Dương Hướng, NXB Hội nhà văn, 2007
---0---

Hòang Kỳ Trung là một nhân vật anh hùng. Suốt cuộc đời cầm súng vệ quốc, từ khi tòng quân làm lính đến trở thành sĩ quan cao cấp,Trung bao giờ cũng là một quân nhân gương mẫu. NHân vật này có những nét đặc sắc thường được nêu lên ở những người cộng sản kiên cường “ý chí sắt đá”, giữ vững quan điểm đến cùng, nêu gương “tinh thần bất khuất”, bị địch tra tấn dã man không khai nửa lời… Trân trọng biểu dương những nét ưu tú quân nhân Hòang Kỳ Trung, tác giả không ngần ngại vạch ra những khuyết điểm, những méo mó kỳ quặc ở nhân vật này “nói câu nào cũng dùng mệnh lệnh” (có khi đi ngủ với vợ cũng dùng mệnh lệnh), không cho phép bất kỳ ai “nói ý kiến riêng của mình”; lập trường, quan điểm một cách cứng ngắc, chỉ thấy địch và ta, không phải ta thì là địch, khác ta cũng là địch rồi, và thế là ở đâu cũng thấy địch, mỉa mai thay, trong cải cách ruộng đất, những cán bộ bố láo cứ một mực quy bố mẹ Trung là “địa chủ cường hào, việt gian phản động” thì bây giờ, đến lượt mình, ông Trung sẵn sàng quy ông bà Đức Cường và Thương Huyền là “kẻ thù không đợi trời chung”. Quy kết vội vàng, bừa bãi là bệnh ấu trĩ, nhưng nếu không thấy được nguồn gốc của nó thì dễ trở thành bệnh kinh niên. Căn của bệnh này là nếp nhìn, nếp nghĩ “bửa đôi thế giới” thành nửa đối kháng với nhau, phe XHCN đối kháng với phe TBCN, giai cấp vô sản đối kháng GCTS…..Đến lượt thế giới vô sản lại được bửa đôi, có thời là đệ tam và đệ nhị, Stalinist và Troskit, có thời là CN Mác-Lê chân chính và chủ nghĩa xét lại…..Thực ra những đối kháng chỉ là những cực được trừu xuất để lý thuyết hóa, giữa hai cực là vô vàn dòng chảy ngược xuôi, qua lại, hòa trộn….Sự sống thực tại của nhân lọai là ở những dòng chảy chứ không phải ở những cực đối kháng trừu tượng…Thói xấu quy kết vô tội vạ và những lề thói kỳ quặc của ông Trung có một thời được cánh trẻ gọi là “bôn”, dùng từ bôn để giễu những cái ẩm ương, cực đoan vô lối của những đảng viên làmkhổ và hành hạ họ. Với những nét bôn ở nhân vật Trung dễ hình dung ông là người sống quá sơ đẳng, khờ khạo, thậm chí ngu si. Có hai Hòang Kỳ Trung. Một Hòang Kỳ Trung khác ẩn sau HKT bôn. Trung sớm thấy và luôn luôn thấy những mặt trái của cách mạng. Cách mạng lớn lao và anh hùng, nhưng mặt trái của nó cũng vô cùng khủng khiếp. Trung sớm có một cách ứng xử trước bộ mặt hết sức phức tạp của cách mạng. Những năm tuổi thiếu niên, rồi trong thời gian cải cách, Trung chứng kiến những thảm cảnh của gia đình mình và thể nghiệm trên bản thân mình sự lăng nhục độc ác. Trung nuốt hận trong lòng, anh đi bộ đội; thời thế đổi thay, không theo cách mạng thì cũng cũng bị “lịch sử nghiền nát”. Những lỗi lầm xấu xa tồi tệ của thời đại mình đang sống, Trung không phải là không thấy, nhưng cách xử thế của anh là phải chịu đựng. Trung thấy hết những tai hại của phong trào hợp tác hóa: nó như cơn lũ cuốn phăng đi tất cả mọi thứ mà nhà nông đã tích cóp từ bao đời, nhưng anh cũng thấy “lao ra chống đỡ với cơn lũ” làm sao mà chống nổi, thiếu gì những kẻ “bị nhừ đòn”…Như vậy Trung “bôn” đâu có khù khờ, ông thấy cả và hiểu hết…
Chẳng những thế, ông còn có một “minh triết” để ứng xử trước thời thế, thời cuộc… Minh triết của ông được tóm lại trong một câu đã trở thành châm ngôn: “Gặp thời thế thế thời phải thế”. “ Phải thế” là thế nào vậy ? Là phải “nuốt hận”. Phải “chịu đựng”. Không “chống chọi”( “với cơn lũ” ) . Hoặc nói như Lão tử, phải có “cái dũng ( biểu lộ) ở sự không dám”. Lão tử có nói hai cách biểu lộ của dũng:
Dũng [ biểu lộ ] ở sự dám thì chết (dũng ư cảm tắc sát).
Dũng [ biểu lộ ] ở sự không dám thì sống ( dũng ư bất cảm tắc hoạt).
Ông Trung đã “ không dám” chống chọi những “cơn lũ” và ông đã “ sống sót”. Minh triết của ông là “chỗ đứng vững chắc” của ông để giữ cho “cơ ngơi, gia tộc” của ông khỏi tan tành. Minh triết của ông được triết gia Francois Julien diễn đạt nôm na như sau: “…nếu ngày hôm nay chẳng có gì thuận lợi cho tôi thì tôi thà chờ đợi còn hơn là đối mặt một tình thế trái khoáy và bị vỡ mặt húc nào đấy – làm như vậy hẳn là đẹp đấy, thậm chí còn anh hùng nữa, nhưng ít hiệu quả”. Lão tử so sánh: “ …dám thì chết”, “không dám thì sống”. Hiểu như thế nào đây ý kiến này của Lão tử? Phải chăng ông có ý chê bai “cái dũng [biểu lộ] ở sự dám” (thì chết) và thiên về “cái dũng [biều lộ] ở sự không dám” (thì sống)? Cần tìm hiểu thêm “ Thử lưỡng giả hoặc lợi hoặc hại”. Tôi tham khảo cách hiểu câu này của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Michael Lafargue. Tôi chọn học giả thứ ba, Lafargue đã hiểu câu này như sau: cả hai cái (dũng) này “có khi có lợi, có khi có hại”( cách hiểu của Nguyễn Hiến Lê: “một cái được lợi, một cái bị hại.” ). Như vậy, “cái dũng của sự dám”( thì chết) không nhất thiết chỉ “có hại” mà có khi “có lợi” và “cái dũng của sự không dám” (thì sống ) đâu phải chỉ “có lợi”, cũng có khi “có hại” đấy. “Nuốt hận”, “chịu đựng”, không dám (hoặc không dại gì mà) “chống” với “chọi”…đó là minh triết của ông Trung và thực sự đó là minh triết. Nhưng hình như ông quá đắc trí với minh triết này, thiếu sự sâu sắc của Lão tử.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 30/10/2010