Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
TRỊNH CÔNG SƠN & CÂY ĐÀN LYA CỦA HÒANG TỬ BÉ

Trịnh Công Sơn sinh ngày 28.2.1939 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Hai năm về trước, cụ thân sinh lên đây chơi, nhân thấy cảnh non xanh nước biếc xinh đẹp và thành phố núi yên tĩnh bèn đưa gia đình lên đây lập nghiệp dài lâu. Năm sau hai ông bà sinh con đầu lòng, nhưng không nuôi được. Năm tiếp theo, Trịnh Công Sơn ra đời, gia đình xem như con trưởng.

Vết tích của thời kỳ ấu thơ này chẳng còn đề lại gì, ngoài một tấm ảnh của tuồi hài đồng, cùng một ít kỷ niệm m ờ nhạt trong trí nhớ của người thân; với Sơn chắc cũng không hơn gì. Dĩ nhiên thôi vì nói như M.Ponty, nếu người ta không thể dừng lại một phút sau khi chết để biết mình chết như thế nào; thì người ta cũng không thể ra đời sớm hơn một phút, để biết mình ra đời như thế nào. Tuổi hài đồng là một kỷ niệm bất khả tri của đời người. Dù vậy, Trịnh Công Sơn vẫn coi rằng đây là một thờì kỳ trọng đại nhất trong cuộc đời của anh, và anh cố tìm đọc ở trong đó những tín hiệu của định mệnh mà anh sẽ phải đảm nhận sau này.Trịnh Công Sơn cảm nhận rằng tuổi hài đồng là thời điểm mà thiên thần Ni - ca - e thông báo tin buồn về một sự ra đời, và rồi đây ở tuổi biết suy nghĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu nghiền ngẫm về tin buồn đó trong nghệ thuật của anh, rằng cuộc đời này chẳng có gì vui, tuy nhiên, người ta vẫn phải sồng hết cuộc đời của mình, điều mà triết học hiện sinh gọi là “Courage to be”. Trong bài hát Gọi tên bốn mùa, Trịnh Công Sơn viết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”.

Âm nhạc của TCS xuất phát từ nỗi buồn có tính cách chung thẩm như vậy, cùng với cái nhìn âm u của anh ném ra thế giới, bất cứ chỗ nào đôi mắt của anh từng hướng đến, kể cả cõi tình. Mà người ta có lý khi nghĩ về cuộc đời của Sơn như một hiện hữu không thể có niềm vui.

Sau khi triển khai tất cả ý nghĩa của một hiện hữu vào nghệ thuật, TCS chỉ nhìn thấy còn lại trong tay mình một chút vôi tủa của nỗi cô đơn. Có thể nói rằng nỗi cô đơn là không khí tản mạn khắp trong nhạc TCS, và là “tội tổ tông” con người phải gánh chịu từ thuở sơ sinh, không thể nói gì khác.

Có thể nói ngay rằng nỗi cô đơn của phận người là một đóng góp quý báu của nhạc sĩ TCS cho cảm hứng âm nhạc VN một thời. Trong khi mải dồn sức cho cuộc chiến, nhiều người đã quen với lời hô hùng tráng mà quên rằng con người là một gã lữ hành đi trong sa mạc. Nhưng một nền nghệ thuật đánh rơi mất nỗi cô đơn của phận người chưa phải là một nền nghệ thuật hoàn hảo.

Bóng dáng nhân loại gần gũi và thân thiết nhất đối với con người trong tuổi sơ sinh chính là hình bóng của người mẹ. Trong hầu khắp các ca khúc của anh, TCS thường dùng từ mẹ khi nói về tổ quốc hoặc quê hương. Tổ quốc của Sơn là một đất nước đổ vỡ vì chiến tranh, là một quê hương mịt mù trong khói lửa (Gia tài của mẹ), là những bà mẹ quê bỏ hoang ruộng vườn, ngẩn ngơ nhìn trái quả trên tay , nhớ về “một giàn đầy hoa” (người mẹ Ô lý). Tình cảm đau thương về tổ quốc là một cảm hứng lớn trong nhạc TCS, đã làm cho anh mất ngủ, héo hon suốt tuổi thanh xuân, và từ đó, chín muồi thành thái độ phản chiến trong nhạc của TCS. Nội dung phản chiến tuy nhất thời đã làm một số người không bằng lòng, nhưng đó vẫn là tư duy chủ yếu của TCS trong 3 tập: ca khúc da vàng, phụ khúc da vàng, kinh VN, và là một nét nhân bản xứng đáng với nhân cách của một người công dân đối diện với một cuộc chiến quá dữ dằn và kéo dài….

Tôi sung sướng được tiếp xúc gần gũi với thân mẫu TCS trong nhiều năm kết bạn với anh, và được hưởng sự ngọt ngào từ trái tim người mẹ của bà.

Với TCS, ý niệm lời ru không chỉ dành riêng cho những gì êm ái, ve vuốt (ru tình) mà còn chỉ ra những gì dữ dội, tàn phá (đại bác ru đêm)…những gì đã trở thành thường xuyên, thường xuyên đến độ nhức nhối với tác giả.

TCS trở lại Huế cùng gia đình, sống ở vùng bến Ngự. Anh đã sống những năm thơ ấu ở đây, dòng sông bến Ngự và khu ngoại ô Nam giao đầy những làng vườn thơ mộng vùng trung du, đắm mình trong tiếng kinh cầu và tiếng chuông thu không của những ngôi chùa cổ ở bến Ngự….

TCS và các em được mẹ đưa đi qui y ở chùa Phổ quang nơi dốc bến Ngự, pháp danh là Quang thọ. TCS ít nhiều mang tư tưởng Phật giáo…Cõi tạm, Ở trọ, Đóa hoa vô thường hoặc một cõi đi về.

Người ta tự hỏi: TCS học nhạc tự bao giờ? Có lẽ từ trong tiền kiếp?

Xem thêm:

Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé - Nguyễn Xuân Hoàng.

Hòang phủ ngọc Tường, NXB Trẻ, Feb 2005
Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 02/11/2010