Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Sự tái hấp thu glucose, natri, clo và nước tại ống thận

Sự tái hấp thu glucose, Na+, Cl- và nước tại ống thận

I. Tái hấp thu glucose:

- Bình thường nồng độ glucose trong máu (glycemia) là 100mg% được lọc vào nang Bowman với nồng độ tương đương, đến ống lượn gần 100% glucose được tái hấp thu chủ động, do đó không có glucose trong nước tiểu.

- Sự tái hấp thu glucose ở ống thận bằng sự chuyên chở chủ động thứ phát: glucose đồng vận chuyển (Co – transport) với Na+ qua bờ bàn chải, nên khả năng tái hấp thu glucose có giới hạn.

- Với nồng độ glucose máu < 180 mg%, đến ống lượn gần sẽ được tái hấp thu hoàn toàn.

- Với nồng độ glucose máu ≥ 180 mg%, sẽ xuất hiện glucose trong nước tiểu. mức glucose máu 180mg% là ngưỡng glucose của thận.

- Mức tái hấp thu tối đa G của ống thận gọi là khả năng vận chuyển tối đa đối với glucose (tubular transport maximum for glucose) viết tắt là TmG.

o TmG ở nam: 375 mg/phút

o TmG ở nữ: 300 mg/phút

- Glucose trong nước tiểu (Glucosuria) là dấu hiệu của bệnh tiểu đường (Diabetes mellitus).

- Các loại đường khác như fructose, galactose, xylose. Do khả năng hấp thu giới hạn nên có sự cạnh tranh (competition) nếu xuất hiện 2 loại đường đồng thời trong ống thận.

II. Tái hấp thu Na+, Cl- và nước:

1) Ở ống lượn gần:

- Khoảng 65 – 70% Na+ được tái hấp thu ở ống lượn gần bằng cơ chế vận chuyển tích cực do protein mang và do hoạt động của bơm Na+K+ - ATPase, bơm này bơm Na+ từ tế bào ra dịch kẽ xung quanh ống thận, duy trì [Na+] trong tế bào thấp (50mEq/l). Do đó Na+ sẽ khuếch tán thụ động từ dịch lọc vào tế bào.

- Năng lượng cung cấp cho hoạt động của bơm Na+K+ATPase từ sự thuỷ phân của ATP và ty lạp thể trong tế bào.

- Sự hấp thu Na+ vào tế bào ống thận thường cặp đôi với sự di chuyển của chất hoà tan khác (glucose, amino acids, phosphate) do chất chuyên chở Co – transporter.

- Na+ còn hấp thu bằng cơ chế trao đổi với H+ (có sự cạnh tranh giữa H+ và K+ trong việc trao đổi với Na+), hoặc đồng vận chuyển với Cl-.

- Khi Na+ và các chất hoà tan được tái hấp thu, nước (65 – 70%) và Cl- tái hấp thu thụ động theo. Lượng tái hấp thu ở đây giúp tránh sự quá tải ở phần còn lại của ống thận.

2) Quai Henle, ống lượn xa và ống góp:

- Quai Henle: sẽ tái hấp thu 20% Na+ và 10%  nước được lọc qua cầu thận. Vì nhánh lên của quai không có tính thấm với nước, nhưng có tính thấm với Na+, nên Na+ được tái hấp thu ở phần dầy nhánh lên (ascending) bằng phương thức chuyên chở bởi:

+ 1 cặp ba đồng vận chuyển (Co – transporter) 1 Na+/1 K+/2 Cl-, chất chuyên chở này có trong màng tế bào lòng ống và bị ức chế bởi thuốc lợi tiểu như Furosemide (lợi tiểu quai). Như vậy, Cl- cũng được tái hấp thu tích cực ở đoạn lên của quai Henle.

+ Na+/K+ ATPase hoạt động bên màng tếp xúc với dịch kẽ.

- Ống lượn xa và ống góp: có 9% Na+ và 19% nước được tái hấp thu. Ống góp là nơi cuối cùng điều hoà sự bài tiết Na+ và nước, do ảnh hưởng của 2 hormone là Aldosteron và ADH.

+ Na+ được tái hấp thu tích cực sơ cấp nhờ sự kích thích của Aldosteron:

* Phần lớn Na+ kèm theo Cl- (Co-transport)

* Một số có thể trao đổi với K+ hoặc H+.

+ Tế bào thượng bì ống góp ít có khả năng thấm với nước. Nhưng dưới ảnh hưởng của ADH, tế bào ống thận sẽ tăng khả năng thấm đối với nước.

+ Tốc độ bài xuất nước trong nước tiểu tuỳ thuộc vào lượng nước được lọc ở cầu thận và được tái hấp thu ở ống thận.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 10/07/2011