Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Cơ chế thể dịch điều hoà hô hấp

Cơ chế thể dịch điều hoà hô hấp

Các yếu tố hoá học điều hoà hô hấp quan trọng nhất là CO2 > H+ >O2.

I. Các vùng cảm ứng:

Các yếu tố hoá học tác động lên trung tâm hô hấp thông qua các vùng cảm ứng.

1) Vùng cảm ứng hoá học trung ương: trung tâm nhận cảm hoá học.

- Nằm ở mặt bụng hành não. Khi phát xung động làm kích thích vùng hít vào.

- Nhạy cảm với nồng độ H+ trong dịch não tuỷ và trong dịch kẽ não.

- CO2 xuyên qua hàng rào máu – não, hàng rào máu – dịch não tuỷ rất dễ dàng, trong khi H+ và HCO3- vào chậm hơn. Sau đó CO2 được thuỷ hoá và phân ly tạo H+. Do vậy sự thay đổi CO2 trong máu kích thích vùng cảm ứng hoá học trung ương nhiều hơn sự thay đổi H+ trong máu.

2) Vùng cảm ứng hoá học ngoại biên: thể cảnh và thể động mạch chủ.

- Nằm ở xoang động mạch cảnh và quai động mạch chủ là đầu tận cùng của dây thần kinh IX và X phần cảm giác.

- Gồm các áp cảm thụ quan và hoá cảm thụ quan nhạy cảm với CO2, H+ và O2. Tuy nhiên CO2 và H+ tác dụng lên vùng nhận cảm hoá học ngoại biên này rất yếu so với vùng cảm ứng hoá học trung ương.

II. Ảnh hưởng của các yếu tố hoá học:

1. Vai trò của CO2:

- Tác dụng lên vùng cảm ứng hoá học trung ương và ngoại biên.

- Ảnh hưởng theo nồng độ:

+ Ở nồng độ thấp gây ngưng thở.

+ Nồng độ bình thường: kích thích và duy trì hô hấp.

+ Khi CO2 tăng: gây tăng thông khí phế nang để làm tăng đào thải CO2 ra ngoài. Ở trẻ sơ sinh khi mới ra đời không được hô hấp nhờ máu mẹ qua nhau thai, nồng độ CO2 tăng lên trong máu gây kích thích trung tâm hô hấp tạo nhịp thở đầu tiên.

+ Khi nồng độ CO2 trong khí hít vào tăng cao sẽ xuất hiện ngộ độc CO2 dẫn đến ngưng thở.

- Hiệu lực tác dụng của CO2:

+ PCO2 tăng cao làm tăng nồng độ H+ ở mọi nơi nên hiệu quả của CO2 là do cả CO2 tăng lẫn H+ tăng.

+ Hiệu lực tác dụng theo thời gian: thay đổi CO2 gây phản ứng cấp thời và mạnh nhưng nếu kéo dài kinh niên phản ứng sẽ yếu. Nguyên nhân một phần là do CO2 gây tăng nồng độ H+ trong não. Khi đó thận sẽ tham gia điều chỉnh kiềm toan bằng cách tăng HCO3-, chất này kết hợp với H+ khiến nồng độ H+ tác động lên trung tâm nhận cảm hoá học giảm dần.

2. Vai trò của H+:

- Tác dụng lên vùng cảm ứng hoá học trung ương và ngoại biên.

- Ảnh hưởng của H+: pH giảm gây tăng thông khí phế nang, pH tăng gây giảm thông khí phế nang.

- Hiệu lực tác dụng:

+ Nếu H+ tăng, PO2 và PCO2 bình thường: thông khí phế nang sẽ tăng nhiều nhưng sau đó thì CO2 giảm và O2 tăng nên bớt kích thích trung tâm hô hấp hơn.

+ Tuy nhiên nhìn chung, ảnh hưởng của nồng độ H+ máu đối với hô hấp ngày càng mạnh nếu không được điều chỉnh.

3. Vai trò của O2:

- Tác dụng lên vùng cảm ứng hoá học ngoại biên.

- Ảnh hưởng của O2: nồng độ O2 giảm gây kích thích hô hấp. Tuy nhiên, ảnh hưởng này chỉ rõ rệt khi PO2 trong máu động mạch giảm < 60 mmHg.

- Hiệu lực tác dụng:

+ Khả năng làm tăng thông khí phế nang tối đa của O2 là 166% so với H+ 400% và CO2 1.000%

+ Trong trường hợp vùng cảm ứng hoá học trung ương bị ức chế (suy hô hấp, ngộ độc barbituric), vai trò O2 trở thành chủ yếu trong việc duy trì hô hấp vì lúc này tác dụng của CO2 và H+ đã giảm.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 10/07/2011
Các thông tin khác