Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Quá trình thải nhiệt

Quá trình thải nhiệt

Nhiệt sinh ra trong cơ thể đến đâu sẽ được truyền ra bề mặt ngoài da hoặc niêm mạc đường hô hấp để ra ngoài đến đấy nhờ hệ thống mạch máu theo 2 cơ chế thải nhiệt là truyền nhiệt và bốc hơi nước.

I. Thải nhiệt bằng cách truyền nhiệt:

Truyền nhiệt là phương thức trong đó nhiệt năng được truyền từ vật nóng sáng vật lạnh. Như vậy muốn thải nhiệt ra bên ngoài bằng cách truyền nhiệt thì cơ thể phải có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ môi trường xung quanh.

Có 3 hình thức truyền nhiệt:

1. Truyền nhiệt bức xạ:

- Định nghĩa: truyền nhiệt bức xạ là sự truyền nhiệt giữa các vật không tiếp xúc với nhau. Nhiệt được truyền dưới dạng tia bức xạ điện từ (tia hồng ngoại).

- Khối lượng nhiệt truyền tỷ lệ thuận với chênh lệch nhiệt độ giữa 2 vật, không chịu ảnh hưởng của nhiệt độ khoảng không ở giữa. Nhưng khối lượng nhiệt mà vật lạnh nhận được phụ thuộc vào màu sắc của nó: màu đen hấp thu toàn bộ, màu trắng phản chiếu toàn bộ.

2. Truyền nhiệt trực tiếp:

- Định nghĩa: truyền nhiệt trực tiếp là sự truyền nhiệt giữa các vật tiếp xúc nhau.

- Khối lượng nhiệt truyền tỷ lệ thuận với diện tích tiếp xúc, mức chênh lệch nhiệt độ và thời gian tiếp xúc giữa 2 vật.

3. Truyền nhiệt đối lưu:

- Định nghĩa: truyền nhiệt đối lựu là sự truyền nhiệt giữa các vật tiếp xúc với nhau nhưng trong đó vật lạnh luôn luôn chuyển động, điều này khiến cho ở điểm tiếp xúc chênh lệch nhiệt độ được duy trì.

- Khối lượng nhiệt truyền tỷ lệ thuận với căn bậc hai của tốc độ chuyển động của vật lạnh.

II. Thải nhiệt bằng cách bốc hơi nước:

Thải nhiệt bằng cách bốc hơi nước dựa trên cơ sở là nước trong lúc chuyển từ thể lỏng sang thể khí phải hút nhiệt vào. Một lít nước bốc hơi sẽ lấy đi một nhiệt lượng bằng 580 Kcal. Nhiệt độ môi trường càng cao thì sự thải nhiệt bằng bốc hơi nước càng tăng với điều kiện nước thoát ra được bề mặt và bề mặt thoáng gió.

Có 2 hình thức bốc hơi nước: qua da và qua đường hô hấp

1. Bốc hơi nước qua đường hô hấp:

Nước bay hơi ở đường hô hấp là nước do các tuyến ở niêm mạc đường hô hấp bài tiết ra để làm ẩm không khí vào phổi.

Lượng nhiệt toả ra bằng phương thức bốc hơi nước qua đường hô hấp phụ thuộc vào thể tích thông khí phổi.

Trong môi trường nóng thông khí phổi có tăng lên nhưng bốc hơi nước qua đường hô hấp không có ý nghĩa quan trọng trong phản ứng chống nóng của loài người.

2. Bốc hơi nước qua da:

Bốc hơi nước qua da dưới 2 hình thức:

- Thấm nước qua da: lượng nước thấm qua da trung bình một ngày đêm là 0,5 lít. Lượng nước này cùng với lượng nước bốc hơi qua đường hô hấp tổng cộng khoảng 0,6 lít/ngày giúp cải thiện một nhiệt lượng khoảng 12 – 16 Kcal/giờ. Đây là lượng nước mất thường xuyên, không cảm thấy và không thay đổi theo nhiệt độ của cơ thể và không khí.

- Bài tiết mồ hôi: lượng mồ hôi bài tiết trong 1 giờ thay đổi từ 0 lít trong môi trường lạnh lên đến tối đa 1,5 – 2 lít trong môi trường nóng. Mô hôi chỉ giúp thải nhiệt khi bốc hơi được trên da nên bề mặt da cần thoáng. Lượng mồ hôi bốc hơi trên da cũng thay đổi tuỳ thuộc vào độ ẩm của không khí và tốc độ gió.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 10/07/2011