Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Đặc điểm về 3 bệnh nhiễm khuẩn đường ruột do hậu quả của sự ô nhiễm đất

Đặc điểm về 3 bệnh nhiễm khuẩn đường ruột do hậu quả của sự ô nhiễm đất

- Ly trực trùng (Shigella): lỵ trực trùng là một bệnh lý viêm nhiễm cấp tính ở đường tiêu hoá, chủ yếu là ở ruột già, do trực trùng Shigella gây nên. Người bệnh, người đang thời kỳ hồi phục hay người lành mang mầm bệnh là nguồn chủ yếu thải trực trùng Shigella trong phân. Thời gian tồn tại của lỵ trực trùng trong phân tươi tương đối ngắn, nhưng khi tẩy uế phân thì chúng có thể tồn tại lâu hơn nhờ vào chất hữu cơ trong đất. Người có thể bị nhiễm khuẩn do ăn rau quả bị đất có chứa lỵ trực trùng làm nhiễm vào hay do tiếp xúc với phân tươi hoặc do ruồi nhặng mang lỵ trực trùng từ phân, từ đất ô nhiễm vào thức ăn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh thường đặc trưng với 2 hội chứng là:

+ Hội chứng lỵ: đau bụng quặn từng cơn dọc khung đại tràng trước khi đi tiêu; mót rặn nhiều, ngày càng tăng, đau thốn vùng trực tràng, có thể dẫn đến sa trực tràng ở người già; tiêu phân nhầy máu, nhiều lần (trường hợp nặng có thể đi tiêu 20 – 40 lần), lượng phân càng lúc càng ít dần.

+ Hội chứng nhiễm trùng: sốt cao (có thể giảm sau vài ngày), người mệt hốc hác, môi khô, lưỡi vàng nâu, thể trạng suy sụp nhanh chóng.

- Thương hàn (salmonella): thương hàn là 1 bệnh nhiễm trùng toàn thân do trực khuẩn salmonella gây ra, bệnh lây lan qua đường tiêu hoá. Tương tự như Shigella, những người bệnh, người đang thời kỳ hồi phục hay người lành mang mầm bệnh cũng là nguồn chủ yếu thải trực khuẩn Salmonella trong phân. Đất trồng là môi trường không thuận lợi cho loại vi khuẩn này phát triển, nó chết rất nhanh sau một thời gian rơi vào đất do không cạnh tranh được với vi khuẩn ngoại sinh trong đất. Tuy nhiên, tùy điều kiện thuận lợi – tuỳ mức độ nhiễm bẩn và tuỳ loại đất (nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, dự trữ chất hữu cơ, khuẩn lạc, vi khuẩn đối kháng…) mà chúng có thể tồn tại khá lâu từ 2 – 4 tuần hoặc lâu hơn. Con người có thể bị nhiễm bệnh do thức ăn, nước uống bị nhiễm vi khuẩn thương hàn từ đất ô nhiễm. Gây nên bệnh cảnh lâm sàng kéo dài như sau: sốt từ từ tăng dần trong tuần lễ đầu và đạt đến mức cao liên tục 39 – 41oC vào tuần thứ 2 tạo hình ảnh sốt hình cao nguyên, kèm theo ớn lạnh và dấu hiệu mạch nhiệt phân ly. Đau bụng lan toả, bụng đầy hơi, tiêu chảy kéo dài, phân vàng lỏng lợn cợn. Dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc: BN có “vẽ mặt thương hàn” như nằm bất động, thờ ơ với ngoại cảnh, mắt nhìn đờ đẫn, môi khô, má đỏ, lưỡi dơ bợn trắng. Trường hợp nặng nếu không điều trị kịp thời BN có thể thủng ruột, nhiễm độc, hôn mê sâu và dẫn đến tử vong.

- Phẩy khuẩn tả (Vibrio Cholerae): dịch tả là 1 bệnh nhiễm trùng đường ruột cấp tính ở người do phẩy khuẩn tả Vibrio Cholerae gây ra và có thể gây thành đại dịch. Nguồn thải vi khuẩn tả ra phân chính cũng từ người đang mắc bệnh, người trong thời kỳ hồi phục và người lành mang trùng. Thường phẩy khuẩn tả tồn tại trong đất khoảng 1 tháng, tuy nhiên nếu đất bị nhiễm khuẩn bởi phân tươi và nhiều chất hữu cơ thì sẽ kéo dài thời gian tồn tại của phẩy khuẩn tả đến 5 – 7 tháng. Con người bị nhiễm bệnh do thức ăn, nước uống bị nhiễm phẩy khuẩn tả từ phân tươi hay đất bị ô nhiễm. Loại khuẩn này thường gây bệnh thành dịch, diễn tiến rất nhanh, gây tiêu chảy cấp mất nước nặng, dễ dẫn đến tử vong có thể trong vài giờ nếu không phát hiện điều trị thích hợp khẩn cấp và ngăn chặn kịp thời.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 14/07/2011