Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Hình thể trong và hình chiếu của tim trên thành ngực

Hình thể trong và hình chiếu của tim trên thành ngực

I. Các buồng tim và các van tim:

Mỗi tim có 4 buồng, 2 tâm nhĩ và 2 tâm thất.

1) Các tâm nhĩ:

Các tâm nhĩ có thành mỏng và nhẵn, chúng tiếp nhận các tĩnh mạch đổ vào. Mỗi tâm nhĩ có 1 phần phình ra gọi là tiểu nhĩ.

- Có 2 tâm nhĩ phải và trái:

+ Tâm nhĩ phải: có 3 lỗ đổ của tĩnh mạch chủ trên, chủ dưới và xoang tĩnh mạch vành. Ở thành vách gian nhĩ có hố bầu dục, là di tích của lỗ bầu dục thời kỳ phôi thai, nếu lỗ tồn tại, sẽ gây bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ.

+ Tâm nhĩ trái: có 4 lỗ đổ của 4 tĩnh mạch phổi. Ở vách gian nhĩ, có van lỗ bầu dục ứng với hố bầu dục của tâm nhĩ phải.

- Cả 2 tâm nhĩ đều thông với tiểu nhĩ tương ứng.

2) Các tâm thất:

Các tâm thất có thành dầy, sần sùi, vì có các gờ cơ nổi lên. Đặc biệt là cơ nhú để nối các thừng gân dính vào các lá van nhĩ thất.

Có 2 tâm thất phải và trái, thành tâm thất phải mỏng hơn thành tâm thất trái.

- Tâm thất phải: có hình tháp với :1 đỉnh, 1 đáy và 3 thành (trước, sau và trong).

+ Đáy hướng về phía tâm nhĩ phải, có lỗ nhĩ thất phải ở phía sau dưới và lỗ thân động mạch phổi ở phía trước trên.

+ Vùng tâm thất phải tiếp giáp với lỗ thân động mạch phổi thu hẹp dần theo hình phễu và được gọi là nón động mạch.

- Tâm thất trái: có 1 đỉnh, 1 đáy và 2 thành (trước ngoài và sau trong).

+ Đáy có 2 lỗ: lỗ nhĩ thất trái ở phía sau trái và lỗ động mạch chủ ở phía trước phải.

3) Các van tim:

- Tâm nhĩ phải thông với tâm thất phải bởi lỗ nhĩ thất phải, lỗ này được đậy bởi van nhĩ thất phải (van 3 lá) có 3 lá van: lá van trước, lá van vách, lá van sau; mỗi lá ứng với một thành tâm thất. Ở ba thành có các cơ nhú: cơ nhú trước, cơ nhú sau và cơ nhú vách; mà đỉnh của mỗi cơ có các thừng gân để neo các lá van tương ứng.

- Phía trước trên lỗ nhĩ thất phải là lỗ thân động mạch phổi có van động mạch phổi (van bán nguyệt) ngăn cách giữa tâm thất phải và thân động mạch phổi. Van gồm 3 lá van nhỏ hợp lại là: lá van bán nguyệt trước, lá van bán nguyệt phải, lá van bán nguyệt trái. Van động mạch phổi ngăn không cho máu chảy từ động mạch phổi về tim.

- Tâm nhĩ trái thông với tâm thất trái bởi lỗ nhĩ thất trái, lỗ này được đậy bởi van nhĩ thất trái (van 2 lá hay van mũ ni) có 2 lá ứng với 2 thành của tâm thất trái là: lá van trước (lá ngoài), lá van sau (lá trong). Mỗi thành tâm  thất có 1 cơ nhú tương ứng là cơ nhú trước và cơ nhú sau, đỉnh cơ có các thừng gân neo các lá van.

- Phía trên lệch phải lỗ nhĩ thất trái là lỗ động mạch chủ có van động mạch chủ (van bán nguyệt) ngăn cách giữa tâm thất trái và động mạch chủ. Van động mạch chủ cũng giống như van động mạch phổi gồm 3 lá van nhỏ hợp lại là: lá van bán nguyệt sau, lá van bán nguyệt phải, lá van bán nguyệt trái. Van động mạch chủ chỉ cho máu từ tâm thất đi vào động mạch.

II. Hình chiếu của tim lên thành ngực:

Hình chiếu của tim lên thành ngực là 1 hình tứ giác mà 4 góc lần lượt là:

- Góc trên phải nằm cạnh bờ phải xương ức trong khoảng gian sườn II. Đây là điểm nghe van động mạch chủ vì luồng máu qua lỗ này sẽ hướng đến góc trên phải.

- Góc trên trái nằm cạnh bờ trái xương ức trong khoảng gian sườn II. Nghe van động mạch phổi ở điểm này vì đây là vị trí đón luồng máu từ động mạch phổi.

- Góc dưới phải nằm cạnh bờ phải xương ức trong khoảng gian sườn V. Đây là vị trí để nghe van nhĩ thất phải do dòng máu từ tâm nhĩ phải qua lỗ nhĩ thất hướng về đây trước khi đổi dòng lên trên để đi vào nón động mạch.

- Góc dưới trái nằm trong khoảng gian sườn V, đường trung đòn trái. Góc này tương ứng với mỏm tim. Ở vị trí này nghe rất rõ tiếng van nhĩ thất trái do dòng máu qua lỗ nhĩ thất trái hướng về đỉnh tim rồi mới đổi hướng ra sau, lên trên để đến tiền đình động mạch chủ. Vị trí này cũng là nơi sờ thấy nhịp đập của mỏm tim cũng như rung miu khi có hẹp van 2 lá.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 09/07/2011
Các thông tin khác