Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Đáy chậu trước ở nữ

Đáy chậu trước ở nữ

Đáy chậu trước ở nữ từ nông đến sâu gồm các lớp: da, mạc đáy chậu nông, khoang đáy chậu nông, mạc hoành niệu dục dưới, khoang đáy chậu sâu, mạc hoành niệu dục trên và hoành chậu hông.

Tuy nhiên vì còn chứa phần dưới âm đạo và cơ quan sinh dục ngoài của nữ, nên một số cấu trúc ở nữ khác với nam, đặc biệt là các cơ. Còn các mạc cơ, mạch máu, thần kinh thì ở nữ tương tự như ở nam.

I. Mạc đáy chậu nông:

Là lớp mô dưới da ở vùng đáy chậu, mạc gồm 2 lớp:

- Lớp mỡ nông: trong lớp mỡ có một số sợi cơ trơn.

- Lớp sợi sâu: phía sau lớp mạc đi vòng lên trên bám vào bờ sau của hoành niệu dục và trung tâm gân đáy chậu. Ở 2 bên lớp mạc bám vào ngành ngồi mu của xương chậu. Còn phía trước liên tiếp với cơ bám da của môi lớn.

II. Khoang đáy chậu nông:

Được giới hạn: ở dưới là mạc đáy chậu nông, ở trên là mạc hoành niệu dục dưới.

Trong khoang đáy chậu nông cũng chứa các tạng cương ở nữ và 3 cơ: ngang đáy chậu nông, cơ ngồi hang, cơ hành xốp.

Các tạng cương nhỏ hơn ở nam, gồm: trụ âm vật (tương đương vật hang), hành tiền đình (tương đương với hành xốp) bị tách đôi bởi âm đạo.

- Cơ ngang đáy chậu nông: ít phát triển, có khi không có.

o Nguyên uỷ: phần dưới mặt trong ngành xương ngồi.

o Bám tận: trung tâm gân đáy chậu.

o Chức năng: không đáng kể.

- Cơ ngồi hang:

o Nguyên uỷ: mặt trong ngành xương ngồi, từ đó bao bọc quanh trụ âm vật.

o Bám tận: mặt trong và dưới âm vật.

o Chức năng: làm cương âm vật do tác dụng đè ép lên âm vật.

- Cơ hành xốp: cũng bị tách đôi bởi phần dưới âm đạo.

o Nguyên uỷ: trung tâm gân đáy chậu, từ đây 2 cơ chạy dọc ra trước vòng quanh phần dưới âm đạo, và bao quanh hành tiền đình.

o Bám tận: một phần vào xương mu, một phần vào gốc và lưng âm vật.

o Chức năng: chủ yếu là khép âm đạo.

- Thần kinh vận động các cơ trong khoang này là nhánh đáy chậu của thần kinh thẹn. Mạch máu nuôi là nhánh động mạch đáy chậu của động mạch thẹn trong.

III. Khoang đáy chậu sâu:

Được giới hạn bởi: ở dưới là mạc hoành niệu dục dưới, ở trên là mạc hoành niệu dục trên. Khoang đáy chậu sâu chứa 2 cơ:

- Cơ ngang đáy chậu sâu: ở nữ kém phát triển hơn ở nam vì bị âm đạo chia đôi.

o Nguyên uỷ: mặt trong ngành ngồi và ụ ngồi xương chậu.

o Bám tận: các sợi phía sau bám vào trung tâm gân đáy chậu, các sợi phía trước bám vào thành bên âm đạo.

o Thần kinh: thần kinh mu âm vật.

o Chức năng: giúp cố định trung tâm gân đáy chậu.

- Cơ thắt niệu đạo:

o Nguyên uỷ: mặt trong ngành dưới xương mu.

o Bám tận: thành bên âm đạo, có một ít sợi đi ra trước niệu đạo và đi giữa niệu đạo âm đạo để hoà lẫn với bên đối diện.

o Thần kinh: thần kinh mu âm vật.

o Chức năng: không có chức năng của 1 cơ thắt thật sự.

IV. Trung tâm gân đáy chậu:

- Là một nút nằm giữa ống hậu môn và hoành niệu dục. Cấu tạo chủ yếu bởi tổ chức xơ, có kích thước khoảng 2 x 2 cm. Tất cả các cơ: cơ ngang đáy chậu nông, cơ ngang đáy chậu sâu, cơ hành xốp, cơ nâng hậu môn, cơ thắt ngoài hậu môn đều bám vào đó. Ngoài ra, mạc đáy chậu nông và 2 mạc hoành niệu dục cũng bám vào trung tâm gân đáy chậu.

- Ở nữ, trung tâm gân đáy chậu đặc biệt quan trọng vì nó có thể bị xé rách trong lúc sanh. Để tránh tổn thương này, trong lúc sanh người ta thường cắt âm hộ nhất là con so.

- Trung tâm gân đáy chậu cũng quan trọng trong các phẫu thuật vì cơ quan sinh dục trong hay hậu môn trực tràng đi vào bằng ngã đáy chậu. Vì để đến cơ quan này phải cắt trung tâm gân đáy chậu. Do đó trung tâm gân đáy chậu được coi là chìa khoá mở toang vùng đáy chậu.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 09/07/2011
Các thông tin khác