Y Cần Thơ- Powered by TheKyOnline.vn
Ống bẹn

Ống bẹn

Ống bẹn là khe hở đục chếch chiều dầy các lớp cân cơ vùng bẹn, chứa thừng tinh ở nam hoặc dây chằng tròn ở nữ.

I. Dây chằng bẹn:

Cơ chéo bụng ngoài có 1 bờ tự do nằm giữa gai chậu trước trên và củ mu. Bờ này cùng các sợi collagen tạo nên dây chằng bẹn. Phía dưới trong gân cơ chéo bụng ngoài bám vào xương mu bằng trụ ngoài và trụ trong.

II. Lỗ bẹn nông:

Khe hở hình tam giác giữa 2 trụ của cơ chéo bụng ngoài được các sợi gian trụ và các sợi đi từ chỗ bám của trụ ngoài quặt lên đường trắng (dây chằng phản chiếu) viền tròn lại tạo nên lỗ bẹn nông.

III. Liềm bẹn:

Những sợi dưới cùng của cơ chéo bụng trong và cơ ngang bụng bám vào dây chằng bẹn: cơ chéo bụng trong vào ½ ngoài, cơ ngang bụng vào 1/3 ngoài. Từ đó các sợi của 2 cơ này chạy vào trong ở trên dây chằng bẹn và hợp nên liềm bẹn. Liềm bẹn vòng xuống ở sau lỗ bẹn nông rồi bám vào mào lược xương mu.

IV. Lỗ bẹn sâu:

Giữa liềm bẹn và nửa trong dây chằng bẹn có 1 khe hở cơ chạy chếch xuống dưới vào trong, đầu trong của khe thông với lỗ bên nông, trước khe là cân cơ chéo bụng ngoài, sau khe là mạc ngang. Trên mạc ngang có 1 đường dày lên gọi là dây chằng gian hố, dây chằng này có đầu trên liên tiếp với đường cung, đầu dưới dính vào dây chằng bẹn ở ngang mức với đầu ngoài khe hở cơ. Từ bờ ngoài của dây chằng liên hố, mạc ngang trĩu xuống thành 1 túi đi qua khe hở cơ và lỗ bẹn nông để xuống bìu – bọc quanh tinh hoàn. Điểm mà mạc ngang trĩu xuống là lỗ bẹn sâu.

Khe hở cơ nói trên được gọi là ống bẹn. Ống bẹn dài 4 – 6 cm, chạy từ trên xuống dưới, vào trong và ra trước. Đây là chỗ yếu của thành bụng, thường xảy ra thoát vị.

Ống bẹn cấu tạo có 4 thành và 2 lỗ:

- Lỗ bẹn nông: nằm ngay trên củ mu, giới hạn bởi: trụ ngoài, trụ trong của cân cơ chéo bụng ngoài, sợi gian trụ và dây chằng phản chiếu.

- Thành trước: cân cơ chéo bụng ngoài, trụ ngoài, trụ trong, sợi gian trụ, phần nhỏ cân cơ chéo bụng trong và cơ ngang bụng.

- Thành trên: là bề dày bờ dưới tự do của cơ và cân cơ chéo bụng trong.

- Thành dưới: tạo bởi dây chằng bẹn, dây chằng khuyết, dây chằng lược.

- Thành sau: chủ yếu là mạc ngang và phần nhỏ liềm bẹn.

- Lỗ bẹn sâu: nằm trên mạc ngang, vị trí này khi chiếu lên thành bụng nằm cao hơn trung điểm nếp lằn bẹn 1,5 cm.

V. Tam giác bẹn (tam giác Hesselbach)

Tam giác bẹn là nơi yếu nhất của thành bụng bẹn, giới hạn:

- Phía ngoài: động mạch thượng vị dưới.

- Phía trong: bờ ngoài cơ thẳng bụng.

- Phía dưới: dây chằng bẹn.

VI. Nếp, hố vùng bẹn.

Nhìn từ sau ra trước, có một số cấu trúc liên quan đến thành sau ống bẹn, nằm ngoài phúc mạc, đội phúc mạc thành các nếp để giới hạn các hố:

- Động mạch thượng vị dưới đội phúc mạc thành nếp rốn ngoài.

- Dây chằng rốn trong đội phúc mạc thành nếp rốn trong.

- Dây chằng rốn giữa đội phúc mạc thành nếp rốn giữa.

- Hố bẹn ngoài: là chỗ lõm của phúc mạc thành vùng bụng bẹn nằm ngoài nếp rốn ngoài, đây là vị trí thoát vị bẹn gián tiếp.

- Hố bẹn trong: là chỗ lõm của phúc mạc thành vùng bụng bẹn nằm giữa nếp rốn ngoài và nếp rốn trong, đây là vị trí thoát vị bẹn trực tiếp.

- Hố trên bàng quang: là chỗ lõm của phúc mạc thành vùng bụng bẹn nằm giữa nếp rốn trong và nếp rốn giữa, hố này được tăng cường bởi cơ thẳng bụng và cơ tháp nên vững chắc, ít xảy ra thoát vị bẹn.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 09/07/2011
Các thông tin khác